Yêu cầu xe kinh doanh trên 8 chỗ lắp camera trước 31/12: “Trăm dâu đổ đầu tằm“

Vũ Khoa/Giaothonghanoi.kinhtedothi.vn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo yêu cầu của Bộ GTVT, thời hạn để DN kinh doanh vận tải hoàn thành việc lắp đặt camera giám sát là 31/12/2021, sau mốc thời gian này, các phương tiện sẽ bị xử phạt nếu chưa hoàn thiện lắp đặt. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến đã cho rằng còn nhiều bất cập xung quanh việc lắp đặt và chưa phù hợp với thực tế.

Thời hạn để các DN kinh doanh vận tải hoàn thành việc lắp đặt camera giám sát là 31/12/2021, sau mốc thời gian này, các phương tiện sẽ bị xử phạt nếu chưa hoàn thiện lắp đặt.
Cần nhìn từ phía doanh nghiệp
Yêu cầu này mới đây vừa được Sở GTVT Hà Nội nhắc lại một lần nữa đối với các DN trên địa bàn. Cụ thể, các xe bắt buộc phải thực hiện lắp đặt camera gồm xe có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái), xe ôtô vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải khẩn trương thực hiện theo quy định tại Nghị định 10/2020.
Theo Sở GTVT Hà Nội, việc các lắp đặt camera trên xe khách giúp cơ quan quản lý và DN giám sát được hoạt động an toàn giao thông trên xe. Đồng thời, có thể kiểm soát được công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên phương tiện vận tải, trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Trước đó, thời hạn áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ôtô trên 9 chỗ và xe container, xe đầu kéo không thực hiện lắp đặt camera được đề xuất bắt đầu từ 1/7/2021 nhưng đã được lùi đến 31/12/2021.
Tuy Sở GTVT nêu ý nghĩa của camera giám sát trong có tác dụng trong phòng, chống dịch Covid-19, nhưng theo chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng, cũng chính vì dịch bệnh mà các nhà xe đã phải bất động, phương tiện “đắp chiếu” trong nhiều tháng ròng nên lý do này là khiên cưỡng.
Đồng thời, chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, các cơ quan quản lý cần nhìn từ phía DN, trong suốt 2 năm điêu đứng vì dịch, các cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với DN kinh doanh vận tải là chưa nhiều. Hồi tháng 6, Sở GTVT đề nghị các đơn vị khai thác bến, bãi xem xét giảm giá dịch vụ xe ra, vào bến cũng khiến nhiều DN mừng như bắt được vàng dù khoản phí này không thấm vào đâu so với thiệt hại, thua lỗ, điều này cho thấy DN đang “khát” chính sách hỗ trợ đến thế nào. Do đó, chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, việc yêu cầu hoàn thành lắp đặt camera ngay trong năm nay là không hợp lý, nếu chưa thể hỗ trợ, cũng không nên tạo thêm áp lực cho DN.
 Việc quay phim, ghi hình hành khách trên xe cũng tạo ra nhiều ý kiến trái chiều.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Theo các DN vận tải, hiện chi phí lắp đặt camera giám sát trên xe trung bình khoảng 10 triệu đồng/xe, chi phí truyền dữ liệu từ 100-200 nghìn đồng/xe/tháng. Trong khi đó, do dịch Covid-19, hoạt động vận tải đường bộ chịu ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt xe kinh doanh chở khách đã “đóng băng” hoàn toàn trong khoảng 2 tháng qua.
“Từ nay đến đầu năm 2022, thời gian được hoạt động trở lại của vận tải hành khách là rất khó dự đoán. Thực tế, trước khi bị dừng toàn bộ thì ngành dịch vụ này cũng trải qua thời kỳ cực kỳ khó khăn, tình trạng xe rỗng diễn ra thường xuyên, vậy với lượng khách ít ỏi như vậy có cần thiết phải bổ sung thiết bị giám sát vốn rất tốn kém gấp rút như vậy hay không?”, Chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng đặt câu hỏi, đặc biệt là hiện nay, các DN vận tải vẫn đang phải gồng gánh các loại thuế, phí, lãi ngân hàng.. gần như không giảm.
Do vậy, không ít tài xế cho biết sẽ lựa chọn loại camera giá rẻ với mục đích chống chế nếu lực lượng chức năng áp dụng xử phạt hành chính, nhưng việc này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về chập, cháy khi đấu nối. Một số ý kiến cho rằng họ sẽ vừa phải mất tiền, vừa “mua dây buộc mình” nếu có rủi ro.
Anh Bùi Huy Hùng, tài xế xe dịch vụ 16 chỗ cho biết, hiện anh chưa lắp camera vì còn một số nghi ngại. Đầu tiên là các đơn vị cung cấp thiết bị camera sẽ không chịu trách nhiệm nếu việc đấu nối gây ảnh hưởng đến chất lượng xe. Trong khi, nếu có sự cố bắt nguồn do lắp đặt camera, thiệt hại có thể sẽ không được đơn vị bảo hiểm đền bù vì thiết bị này không phải thành phần nguyên bản của xe. Chưa kể, điều này còn ảnh hưởng đến sự an toàn về sức khỏe, tính mạng của hành khách.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hải Phòng cho biết, trước đó các DN cũng đã thực hiện hỗ trợ giám sát bằng GPS theo yêu cầu của Bộ GTVT, tuy nhiên, kết quả thực hiện của việc giám sát này đến nay cũng chưa thấy được công bố cụ thể. Do đó, thay vì áp dụng thiết bị mới, nên tận dụng mọi nguồn lực đã xây dựng, vừa tránh mất thời gian, tốn kém mà không đạt hiệu quả.
Việc triển khai lắp đặt camera cần phải có lộ trình, thử nghiệm để có căn cứ so sánh về mức độ hiệu quả, như vậy quyết định có áp dụng triển khai, sử dụng hay không mới mang tính thuyết phục. Nêu về giải pháp, ông Khúc Hữu Thanh Hải cho biết, có thể thì điểm đối với các xe mới, với thiết bị camera giám sát được đồng bộ ngay trong khâu lắp đặt. “Khi chất lượng, mức độ an toàn được chứng minh, DN mới có thông số tin tưởng để triển khai đại trà” – ông Khúc Hữu Thanh Hải nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần