KTĐT - Trong Hội nghị mùa Xuân của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF),WB và IMF đã chỉ ra 5 nguy cơ khiến kinh tế toàn cầu có thể "tổn thương nghiêm trọng" và kêu gọi các nước thực hiện các biện pháp tin cậy nhằm nhanh chóng đối phó với những thách thức này.
Chủ tịch WB Robert Zoellick đã bày tỏ lo ngại về tình trạng giá lương thực tăng cao đến ngưỡng nguy hiểm do "giá lương thực hiện nay đã tăng 36% so với năm ngoái và tiến sát các chỉ số của cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008". Ông cũng cảnh báo giá lương thực tăng cao là thách thức lớn nhất mà các nước đang phát triển phải đối mặt: "Từ tháng 6 năm ngoái có thêm 44 triệu người sống ở mức nghèo khổ". Nếu chỉ số giá cả lương thực-thực phẩm tăng thêm 10% sẽ có thêm 10 triệu người nữa rơi vào tình trạng nghèo khổ cùng cực. Nếu không muốn để mất cả một thế hệ", các quốc gia, các tổ chức quốc tế cần nhanh chóng hợp tác để bình ổn thị trường nông sản thế giới vì cứ 1 phút lại có 68 người bị đói”.
Theo IMF, tỷ lệ thất nghiệp trên thế giới đang ở mức kỷ lục với 30 triệu người bị mất việc do khủng hoảng kinh tế trong khi 200 triệu người khác đang tìm việc làm. Khủng hoảng việc làm cũng đe doạ làm "mất cả một thế hệ" vì nó tác động mạnh nhất đến thế hệ trẻ ở nhiều nước. Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn cho rằng cuộc thất nghiệp và bất bình đẳng trong thu nhập có thể gieo những "hạt giống bất ổn" phá hoại mọi thành tựu kinh tế thị trường. IMF kêu gọi các nước cải tổ khu vực tài chính để tăng đầu tư vào các công ty vừa và nhỏ-động lực chủ chốt để tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy tăng trưởng.
Cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu với nạn nhân mới nhất là Bồ Đào Nha đã tái khẳng định tác động tiêu cực của nó tới sự phục hồi của kinh tế toàn cầu. Nợ nần đang trở thành gánh nặng cho hệ thống tài chính toàn cầu khi IMF cho biết các ngân hàng trên thế giới sẽ phải thanh toán khoản tiền khổng lồ 3.600 tỷ USD đáo hạn trong vòng 2 năm tới. IMF cho rằng các ngân hàng tại Đức, Ireland, Italia, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cần cải tổ toàn diện để tồn tại.
Theo WB và IMF, nguy cơ thứ tư tác động đến đã phục hồi kinh tế toàn cầu là cuộc khủng hoảng chính trị tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Nếu cuộc khủng hoảng chính trị tại khu vực này tiếp tục duy trì trong thời gian dài, giá dầu mỏ sẽ tăng mạnh khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm lần lượt 0,3% và 1,2% trong 2 năm 2011 và 2012.
Nguy cơ cuối cùng tác động đến đà phục hồi kinh tế toàn cầu, theo Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn là sự tăng trưởng quá nóng và lạm phát gia tăng tại các nền kinh tế đang phát triển. Tình trạng trên đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải kết hợp nhiều biện pháp như tăng lãi suất, nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thắt chặt tín dụng, nâng giá đồng nội tệ, kích cầu trong nước,... để kìm chế lạm phát và tăng trưởng nóng.