7 bệnh nhân Covid-19 nguy kịch, có thể tử vong bất cứ lúc nào

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến nay, Việt Nam còn 471 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại hơn 20 cơ sở khám, chữa bệnh. Trong số 20 bệnh nhân nặng có 7 ca nguy kịch, nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào.

Chiều 18/8, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế điều hành tại BV C Đà Nẵng đã có buổi hội chẩn với các điểm cầu về tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19.
 Ảnh minh họa.
TS Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, tính đến 17 giờ ngày 18/8, có 964 bệnh nhân mắc bệnh, trong đó 468 bệnh nhân khỏi bệnh ra viện. Tổng số tử vong 25 trường hợp. Hiện còn 471 bệnh nhân đang điều trị tại hơn 20 cơ sở khám, chữa bệnh. Trong số 20 bệnh nhân nặng, có 7 ca nguy kịch, nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào.
Tại buổi hội chẩn, các chuyên gia đã tập trung hội chẩn những ca bệnh nặng tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện T.Ư Huế, Bệnh viện Đa khoa T.Ư Quảng Nam, Trung tâm y tế (TTYT) Hòa Vang, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư.
Là bác sĩ hỗ trợ tại TTYT Hòa Vang, PGS.TS Đỗ Ngọc Sơn - Phó Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai cho biết, TTYT Hòa Vang hiện có 10 bệnh nhân điều trị hồi sức, trong đó có 5 bệnh nhân thở máy, nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện cao, sức khỏe kém. Trung tâm đã đề nghị Bệnh viện Bạch Mai cử chuyên gia dinh dưỡng giỏi vào hỗ trợ điều trị nâng cao thể trạng cho những bệnh nhân suy kiệt do phải nằm viện lâu ngày. Các bác sĩ cũng xin ý kiến các chuyên gia về tình hình điều trị đối với bệnh nhân 761, 83 tuổi.
Tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, hiện có TS Trần Thanh Linh - Bệnh viện Chợ Rẫy đang hỗ trợ. Ngày 18/8, Bệnh viện có 23 bệnh nhân âm tính đủ tiêu chuẩn xuất viện, trong đó có 4 bệnh nhân thận nhân tạo từ Bệnh viện Đà Nẵng chuyển sang.
Hiện bệnh viện đang điều trị 3 bệnh nhân nặng. Trong đó có 2 bệnh nhân phải sử dụng ECMO. Đó là BN416 và BN 742. Hai bệnh nhân được hội đồng chuyên môn đề nghị xem xét vấn đề nhiễm trùng bệnh viện, tìm nguyên nhân xem xét vấn đề kháng kháng sinh đối với một số vi khuẩn bệnh viện.
Bệnh viện T.Ư Huế cơ sở 2 có 2 bệnh nhân nặng được hội chẩn là BN 438 và BN 427.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 có 3 bệnh nhân nặng, trong đó nặng nhất là BN 812 hiện đang được theo dõi sát.
Tại buổi hội chẩn kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, các chuyên gia đã hội chẩn từng ca bệnh nặng chi tiết về diễn biến từng ngày của bệnh nhân, nhắc nhở các bệnh viện kiểm soát vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện. Tăng cường dinh dưỡng bệnh viện, thông khí bệnh phòng. Lưu ý vấn đề phối hợp sử dụng thuốc đối với bệnh nhân có nhiều bệnh đi kèm. Hội đồng chuyên môn cũng đề nghị các bệnh viện thành lập các “team” điều trị có đầy đủ các bác sĩ hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn, chẩn đoán hình ảnh, dinh dưỡng, phục hồi chức năng…. hỗ trợ và điều trị hiệu quả bệnh nhân.
TS Cao Hưng Thái cũng đề nghị các bệnh viện lưu ý trang phục phòng hộ cho cán bộ y tế theo đúng quy định của Bộ Y tế. Các bệnh viện cũng có các phương án để vừa kiểm soát tình hình dịch bệnh vừa duy trì hoạt động bình thường, tránh tình trạng tái nhiễm trở lại.