75 năm NATO và bài toán mang tên Ukraine

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 4/4 đã đánh dấu 75 năm thành lập, với nhiệm vụ đảm bảo phòng thủ tập thể trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ. 

Các nhà ngoại giao hàng đầu của khối đã cam kết sẽ tiếp tục duy trì đường lối ở Ukraine, trong bối cảnh quân đội Nga với trang bị tốt hơn đang khẳng định quyền kiểm soát trên chiến trường.

Lễ kỷ niệm diễn ra trong lúc liên minh gồm 32 quốc gia đang cân nhắc kế hoạch cung cấp hỗ trợ quân sự lâu dài cho Ukraine.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg với các ngoại trưởng NATO tại Brussels. Ảnh: AP
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg với các ngoại trưởng NATO tại Brussels. Ảnh: AP

Do tình trạng thiếu nhân lực, Ukraine tuần này đã hạ độ tuổi nhập ngũ từ 27 xuống 25.

“Ukraine đang bị tấn công nặng nề, 24/7,” Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna chia sẻ với báo giới, kêu gọi cung cấp thêm trang thiết bị quân sự cho Ukraine như hệ thống phòng không, máy bay không người lái và đạn pháo.

Ông phát biểu tại buổi lễ với những người đồng cấp đánh dấu ngày hiệp ước thành lập NATO được ký kết: “Chúng ta cần cung cấp những hệ thống phòng không cho Ukraine nhằm bảo vệ người dân, cơ sở hạ tầng dân sự cũng như năng lượng của họ”.

Một lễ kỷ niệm quy mô lớn hơn dự kiến sẽ diễn ra khi các nhà lãnh đạo NATO quy tụ tại Washington từ ngày 9 đến ngày 11/7.

Tại một buổi lễ ở Brussels vào tối 3/4 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tỏ lòng tôn kính “hàng triệu binh sĩ, thủy thủ và phi công, những người đã dũng cảm và sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để tạo nên sức nặng cho cam kết thiêng liêng của chúng ta trong việc bảo vệ các quốc gia thành viên". 

Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom sẽ tham gia cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên kể từ khi nước này trở thành đồng minh thứ 32 của NATO vào tháng trước. Chiến dịch quân sự đặc biệt Nga triển khai tại Ukraine kể từ tháng 2/2022 đã thúc đẩy Thụy Điển và Phần Lan từ bỏ lập trường trung lập và gia nhập NATO.

Số lượng thành viên liên minh đã tăng gần gấp ba so với con số 12 ban đầu.

“NATO được thành lập dựa trên cam kết duy nhất: tấn công vào một đồng minh là tấn công vào tất cả”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trước thềm ngày kỷ niệm. “Từ nền tảng đó, chúng ta đã xây dựng được liên minh hùng mạnh và thành công nhất trong lịch sử”.

Ukraine từng bày tỏ kỳ vọng tham gia NATO, nhưng liên minh này hoạt động dựa trên sự nhất trí của tất cả các thành viên, và hiện không có sự đồng thuận về việc tiếp nhận Kiev. Hiện tại, NATO chỉ cam kết sẽ mở cánh cửa cho Ukraine trong tương lai, khi chiến sự kết thúc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết một trong những lý do triển khai chiến dịch quân sự là do NATO đang mở rộng gần biên giới Nga hơn.

Các đồng minh NATO hiện cũng chưa thống nhất về quyết định trang bị vũ khí cho Ukraine. Hiện về mặt chính thức, liên minh chỉ cung cấp hỗ trợ không sát thương như phương tiện vận chuyển, nhiên liệu, khẩu phần chiến đấu, vật tư y tế và thiết bị rà phá bom mìn. Tuy nhiên, nhiều thành viên đang cung cấp vũ khí và đạn dược theo dạng song phương.

Phần lớn nỗ lực của NATO kể từ khi chiến sự bắt đầu chỉ tập trung vào việc củng cố biên giới tiếp giáp Nga và Ukraine, qua đó phòng ngừa khả năng Moscow tấn công bất kỳ đồng minh nào tiếp theo.

Hôm 4/4, Nga nhận định NATO đã "quay trở lại tư duy Chiến tranh Lạnh". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nói với các phóng viên rằng NATO không có chỗ đứng trong “thế giới đa cực” và Moscow đang thúc đẩy một trật tự thế giới mới.