Theo Bộ trưởng Abdulaziz bin Salman, các kho dự trữ dầu thô chiến lược được thiết kế để quản lý tình trạng thiếu hụt nguồn cung chứ không phải là công cụ để giúp giảm giá.
Phát biểu tại hội nghị các nhà đầu tư tổ chức tại thủ đô Riyadh hôm 25/10, Bộ trưởng Salman nêu rõ: "Nhiệm vụ sâu sắc của tôi là phải nói rõ với thế giới rằng việc giải phóng các kho dự trữ khẩn cấp có thể gây ra đau đớn trong những tháng tới".
Ông Salman cũng khẳng định Ả Rập Saudi vẫn là nhà cung cấp dầu mỏ tin cậy nhất thế giới, đồng thời thông báo nước này đã tăng nguồn cung nhiên liệu sang châu Âu lên 950.000 thùng/ngày trong tháng 9 vừa qua, cao hơn nhiều mức 490.000 thùng/ngày cùng thời điểm năm ngoái.
Mặc dù Bộ trưởng Salman không đề cập trực tiếp đến Mỹ, nhưng tuyên bố của ông được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước tuyên bố sẽ "giải phóng" 15 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược của nước này và sẽ xuất kho thêm nếu cần.
Theo ông Biden, với động thái “xả kho” mới nhất này, tổng cộng 180 triệu thùng dầu sẽ được “giải phóng” theo kế hoạch của chính quyền hồi tháng 3 trong bối cảnh quan ngại về năng lượng toàn cầu liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine.
Đây được xem là cảnh báo mới nhất trong mối quan hệ căng thẳng giữa Riyadh và Washington sau khi Tổng thống Joe Biden cho biết sẽ có hậu quả đối với quyết định của Ả Rập Saudi và Nga nhằm giảm sản lượng dầu thô.
Trước đó, hôm 5/10, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+, đã thông báo kế hoạch cắt giảm mạnh sản lượng 2 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 11 tới để đẩy giá dầu, gần đây đã giảm do lo ngại suy thoái kinh tế thế giới. Mức cắt giảm này tương đương khoảng 2% sản lượng dầu toàn cầu năm nay. Quyết định của OPEC+ được cho là đã làm dấy lên những lời chỉ trích của Mỹ đối với Ả Rập Saudi - nhà lãnh đạo thực tế của OPEC.
Theo Al Jazeera, Nhà Trắng cho biết chính phủ Mỹ sẽ bắt đầu tích trữ kho dự trữ dầu chiến lược khi giá “vàng đen” giảm xuống mức từ 67 USD đến 72 USD/thùng.
Trong khi đó, giá xăng dầu tại Mỹ giữ ở mức cao đã và đang khiến đảng Dân chủ của ông Biden chịu sức ép trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, dự kiến diễn ra ngày 8/11 tới.
Trong một diễn biến liên quan, theo Reuters, Đại sứ Ả Rập Saudi tại Mỹ, Công chúa Reema bint Bandar Al Saud, biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN rằng Riyadh không đứng về phía Nga, đồng thời nhấn mạnh quyết định cắt giảm sản lượng đã đạt được sự thống nhất từ tất cả các nước thành viên OPEC+.