Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Agribank tháo gỡ khó khăn cho bất động sản, sản xuất, kinh doanh

Nguyễn Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) hỗ trợ khách hàng, DN kinh doanh bất động sản (BĐS) vượt qua khó khăn. Đồng thời, đẩy mạnh các gói tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Giảm lãi suất tối đa 3% cho vaybbất động sản

Theo Agribank, qua 3 năm đại dịch Covid-19, đặc biệt do ảnh hưởng từ tình hình kinh tế thế giới và trong nước 6 tháng cuối năm 2022, thị trường BĐS tại Việt Nam có nhiều biến động khiến nhiều DN gặp khó khăn. Điều này có ảnh hưởng đến hoạt động của các ngành nghề liên quan, nhà đầu tư, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động ngân hàng.

Agribank giảm lãi suất, cho vay ưu đãi hỗ trợ khách hàng, DN vượt qua khó khăn.
Agribank giảm lãi suất, cho vay ưu đãi hỗ trợ khách hàng, DN vượt qua khó khăn.

Do đó, Agribank đã có văn bản chỉ đạo các Chi nhánh xem xét điều chỉnh giảm lãi suất và kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng là DN, cá nhân kinh doanh BĐS. Những khách hàng có dư nợ vay kinh doanh BĐS tại thời điểm 31/1 gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hoặc do ảnh hưởng bởi kinh tế vĩ mô sẽ được Agribank xem xét áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất. Mức giảm lãi suất tối đa khách hàng được giảm lên tới 3%/năm, so với lãi suất cho vay đang áp dụng nhưng không thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn 12 tháng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường theo quy định của Agribank trong từng thời kỳ. Thời gian thực hiện điều chỉnh lãi suất tối đa đến hết ngày 31/12/2023. Thời gian áp dụng lãi suất điều chỉnh từ ngày 31/1/2023, tối đa đến hết ngày 31/12/2024.

Đáng chú ý, ngoài tuyên bố giảm lãi suất, Agribank cũng cho biết sẽ tiếp tục xem xét cấp tín dụng mới đối với các dự án BĐS khả thi, đầy đủ pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm tốt, đảm bảo khả năng trả nợ vay. Trong đó ưu tiên cấp tín dụng đối với các dự án BĐS đáp ứng nhu cầu thực của người dân về nhà ở như: Dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại phân khúc tiêu dùng phổ biến… các dự án phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất thúc đẩy hoạt động sản xuất, các nhu cầu thực của cá nhân mua nhà ở, đất ở.

Đồng thời, ngân hàng tiếp tục kiểm soát rủi ro tín dụng đối với phân khúc BĐS cao cấp đang dư thừa nguồn cung, kinh doanh có tính đầu cơ, làm giá, lũng đoạn thị trường, không tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, có liên quan.

Đẩy mạnh các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp

Năm 2023 theo dự kiến, Agribank sẽ tiếp tục dành hơn 100.000 tỷ đồng để triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với khách hàng DN, khách hàng xuất nhập khẩu, ngành y tế, ngành giáo dục; giảm lãi suất đối với các đối tượng khách hàng thuộc lĩnh vực ngành nghề gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Theo các chuyên gia, khi lãi suất hạ, các kênh đầu tư vào các kênh tài sản, đặc biệt chứng khoán hay BĐS đương nhiên hấp dẫn hơn và khả năng mua nhà của người mua nhà để ở cũng sẽ cao hơn. Khi lãi suất hạ, triển vọng kinh tế của Việt Nam sẽ dễ chịu hơn, không chỉ đối với ngành BĐS mà còn tác động tích cực tới tất cả các DN trong nền kinh tế.

Trong năm 2022, Agribank cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn như thực hiện chính sách cơ cấu nợ, hỗ trợ lãi suất 2%/năm; chủ động tiết giảm 2.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ gần 2,2 triệu khách hàng; triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất quy mô 160.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh, vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn, triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…