Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ai cũng có thể đi máy bay?

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hãng hàng không Bamboo Airways của tỷ phú Trịnh Văn Quyết sẽ chính thức cất cánh mở các đường bay nội địa vào ngày 10/10 tới.

Với chiến lược tập trung vào các đường bay thẳng, Hãng hàng không Bamboo Airways thuộc Tập đoàn FLC cho biết, sẽ mang lại cho mọi người cơ hội bay đến những địa danh nổi tiếng trong và ngoài nước một cách nhanh nhất, cùng một dịch vụ hàng không chất lượng cao, giá hợp lý thông qua mô hình Hybrid.

Bamboo Airways sẽ mở các tuyến bay nội địa dành ưu tiên cho những thị trường du lịch mới nổi trong nước như Thanh Hóa, Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình, Phú Quốc… Với đường bay quốc tế, trọng tâm khai thác trong tương lai gần của hãng là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan, Philippines…

Việt Nam hiện có 4 hãng hàng không đang hoạt động là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco và hãng Bamboo Airways mới được cấp phép, trong đó Vietnam Airlines cộng các liên doanh chiếm khoảng 70% thị phần, Vietjet Air chiếm 27% thị phần… Ngoài ra đang có ít nhất 2 hãng hàng không chờ cấp phép hoặc xin điều chỉnh giấy phép để mở rộng quy mô hoạt động bao gồm Hãng hàng không Hải Âu liên doanh với AirAsia của Malaysia và Vietstar Airlines.

Việc gia nhập “sân chơi” của các nhà đầu tư mới hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều hơn nữa sự cạnh tranh trên thị trường hàng không, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng nhưng giá vé máy bay vẫn còn cao. Tiếng là giá rẻ nhưng cộng các khoản thuế phí, giá vé bị đội lên rất nhiều.

Hãng Jetstar Pacific, Vietjet Air đã áp dụng mức phí quản trị hệ thống, phí thay đổi chỗ, chặng bay... trong tháng 6/2018 tăng hơn 100.000 - 140.000 đồng so với trước đây. Trước đó, tháng 4/2018, Vietnam Airlines bắt đầu áp dụng mức giá 90% vé người lớn cho trẻ em từ 2 - 12 tuổi thay vì 75% như trước đây. Ngoài ra, phí sân bay tại cảng hàng không cũng được điều chỉnh tăng thêm 5.000 đồng từ ngày 1/4 - 30/6 và tiếp tục tăng thêm sau ngày 1/7/2018.

Bên cạnh đó,việc thêm nhiều hãng hàng không vào sẽ gặp nhiều thách thức bởi đó là hạ tầng hàng không Việt Nam đang có nhiều bất cập. Thống kê từ Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho thấy, các sân bay Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh), Cam Ranh (Khánh Hòa), Cát Bi (Hải Phòng), Phú Quốc (Kiên Giang), Liên Khương (Lâm Đồng)… đều đang hoạt động vượt công suất thiết kế. Khi có nhiều hãng hàng không hoạt động mà các sân bay vẫn xưa cũ, sẽ tạo áp lực lớn cho công tác quản lý, dẫn đến tình trạng hoãn, hủy chuyến tràn lan, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành du lịch nói riêng và kinh tế đất nước nói chung. Theo Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) 6 tháng đầu năm 2018, Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Vasco chậm, hủy 21.000 chuyến bay.