Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

AIPA 41: Philippines đánh giá cao năng lực lãnh đạo của Việt Nam

Theo TTXVN
Chia sẻ Zalo

Phó Chủ tịch Hạ viện Philippines đánh giá trên cương vị Chủ tịch AIPA 2020, Quốc hội Việt Nam đã chứng tỏ khả năng lãnh đạo các nghị viện thành viên AIPA đối mặt với cuộc khủng hoảng COVID-19.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA-41 và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng Ban tổ chức AIPA-41 đến tổng duyệt lễ khai mạc và bế mạc Đại hội đồng AIPA-41. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN) 
Trong bối cảnh bất ổn, các cú sốc kinh tế và y tế dường như chưa tới hồi kết do cuộc khủng hoảng toàn cầu dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra và tàn phá các châu lục, trong đó có khu vực Đông Nam Á, kỳ họp của Đại Hội đồng liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA) lần thứ 41 đang ở "vị trí chiến lược" để đóng vai trò là nền tảng phối hợp và lồng ghép các nỗ lực của các nghị viện thành viên AIPA nhằm giúp ngăn chặn làn sóng dịch bệnh lây lan, tiếp tục tàn phá và gây ra những thách thức chưa từng có.
Đây là lời khẳng định của Phó Chủ tịch Hạ viện Philippines Raneo E. Abu trong cuộc phỏng vấn với phóng viên trước thềm AIPA 41 do Việt Nam chủ trì qua hình thức trực tuyến sẽ diễn ra từ ngày 8 - 10/9.
Theo ông Raneo, với việc AIPA đi đầu trong các nỗ lực khu vực hướng tới việc xây dựng luật pháp chung và thiết lập các khuôn khổ để xây dựng chương trình hành động bền vững ứng phó và ngăn chặn đại dịch, điều cấp thiết là các nghị viện thành viên AIPA cần hợp tác và kết hợp các nguồn lực nhằm tạo lập một lập trường thống nhất trước mối đe dọa này.
Covid-19 là vấn đề y tế nguy cấp và diễn biến liên tục mà cho đến nay vẫn chưa có giải pháp nhanh chóng và lâu dài nào được các chuyên gia y tế và nhà nghiên cứu virus trên thế giới tìm ra, do vậy cần đối mặt với dịch bệnh này với sự cảnh giác, tập trung và khả năng chống chịu cao nhất.
Phó Chủ tịch Hạ viện Philippines cho rằng thông qua AIPA, các nghị viện thành viên có thể thiết lập các cơ chế hợp tác để chia sẻ các phương pháp phòng chống Covid-19 tốt nhất với các quốc gia thành viên AIPA. Điều này sẽ tăng cường đáng kể công tác lập pháp chung, nhằm tăng cường năng lực tổng thể của các quốc gia trong khu vực ASEAN đối phó với sự lây lan của đại dịch.
Bên cạnh đó, việc chia sẻ dữ liệu y tế giữa các nước láng giềng trong khu vực về các hình thức lây truyền virus SARS-CoV-2 và các biện pháp ứng phó hiệu quả cũng giúp xây dựng và hoàn thiện các chương trình, chính sách chống Covid-19 đang được triển khai.
Thông qua các hoạt động này, AIPA tạo niềm tin về khả năng sống sót và phục hồi trên tinh thần ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, vào thời điểm hết sức khó khăn trước các mối đe dọa y tế nghiêm trọng đối với sự tồn vong của người dân các nước trên thế giới.
Phó Chủ tịch Hạ viện Philippines Raneo E. Abu. (Nguồn: Balikas Online) 
Trong thời điểm hết sức khó khăn do đại dịch Covid-19, cộng với tình hình suy thoái kinh tế nghiêm trọng, Hạ viện Philippines cho rằng cần thích nghi với lối sống bình thường mới. Điều này đòi hỏi cần tái điều chỉnh hàng loạt chuẩn mực và hành vi đã được thiết lập từ lâu, cũng như cách thức tiến hành mọi việc trong hầu hết các khía cạnh của cuộc sống thường ngày, cả năng lực cá nhân lẫn năng lực tập thể.
Giờ đây, các nước cần lồng ghép tư duy bình thường mới này vào công tác xây dựng luật, các chương trình và chính sách trong quá trình tiếp tục triển khai thực hiện các kế hoạch chính trị, kinh tế và văn hóa-xã hội của ASEAN, nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là xây dựng cộng đồng và hội nhập khu vực.
Philippines ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến của các nghị viện thành viên AIPA nhằm soạn thảo một kế hoạch phục hồi nhanh chóng, linh hoạt và bền vững, qua đó giúp tái thiết khu vực ASEAN cũng như thể chế hóa các cơ chế quốc gia ứng phó và phòng chống hiệu quả nhằm giải quyết đại dịch hiện nay và trong tương lai.
Việc xây dựng một hệ thống chăm sóc sức khỏe thực sự vững chắc và củng cố hệ thống an sinh xã hội nhằm phục vụ cho người dân trên quy mô rộng lớn nhất, đặc biệt là các đối tượng yếu thế, cũng là những biện pháp cấp bách vào thời điểm quan trọng này.
Theo Phó Chủ tịch Hạ viện Philippines Raneo E. Abu, trong giai đoạn bình thường mới, công nghệ kỹ thuật số đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo thuận lợi cho giao lưu, trao đổi hàng hóa, dịch vụ và người dân các nước trong khu vực. Theo ông, kết nối kỹ thuật số - điều bắt buộc hiện nay trong bối cảnh đại dịch - cần được xem là cơ hội để thúc đẩy sự phát triển của các cộng đồng không biên giới giữa và trong các quốc gia, và là một trong những mục tiêu tương lai.
Kết nối kỹ thuật số giúp tạo điều kiện cho người dân có thể liên lạc tức thì, gắn kết và nhanh nhạy hơn với tất cả các đầu mối trong khu vực dù không cần bước ra khỏi đường biên giới quốc gia. Do đó, cần xem xét và cập nhật các quy tắc và quy định hiện hành về công nghệ kỹ thuật số.
Để duy trì hoạt động liên tục của các nền kinh tế, các nước cần tối ưu hóa và khai thác tối đa các lợi ích kết nối nhờ công nghệ kỹ thuật số. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) - vốn là trụ cột của các nền kinh tế ASEAN - đã và đang phải hứng chịu các tác động kinh tế khắc nghiệt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn là thành tố quan trọng đối với sự phục hồi của khu vực.
Ngoài ra, cần tạo khuôn khổ thể chế nhằm giáo dục và chuẩn bị cho thanh niên ASEAN ứng phó hiệu quả với các mối đe dọa và tận dụng các cơ hội trong thời gian tới. Đây là những hạt giống tương lai của khu vực ASEAN và là đối tượng cần tiếp tục nuôi dưỡng nhằm giúp họ có thể thích ứng và chống chịu trông quá trình phục hồi lâu dài.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng Ban Tổ chức AIPA 41 với các đại sứ, đại diện đại sứ quán các nước tại buổi tiếp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Phó Chủ tịch Hạ viện Philippines cũng lưu ý ngăn chặn đại dịch Covid-19, các nước đã tăng cường các biện pháp an ninh cá nhân và biên giới trong khu vực nhằm hạn chế sự xâm nhập của virus. Song song với đó, các nước ASEAN không được mất cảnh giác trong chiến dịch chống các mối đe dọa ngày càng gia tăng của chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa cấp tiến và tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực.
Các cuộc tuần tra biên giới chung cần được tăng cường và duy trì nhằm ngăn chặn các tổ chức tội phạm, buôn bán ma túy, buôn người và các phần tử cực đoan vốn đang tiếp tục khai thác lợi thế chiến thuật của chúng trên các đường biên giới biển rộng và thưa của khu vực.
Để tăng cường hơn nữa những nỗ lực này, các đạo luật và quy định về chống khủng bố cần được xem xét và cập nhật nhằm tích hợp các kỹ thuật và phương pháp tiếp cận mới, hiện đại.
Phó Chủ tịch Hạ viện Raneo E. Abu đánh giá rằng trên cương vị Chủ tịch AIPA 2020 và dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội Việt Nam đã chứng tỏ khả năng lãnh đạo các nghị viện thành viên AIPA đối mặt với cuộc khủng hoảng Covid-19 với ý chí quyết tâm nhằm vượt qua đại dịch, hàn gắn vết thương và phục hồi như một khu vực đoàn kết, gắn kết và chủ động thích ứng.
Nhằm tập hợp các quốc gia thành viên AIPA, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đã gửi thư tới các Chủ tịch nghị viện thành viên AIPA kêu gọi các cơ quan lập pháp AIPA đoàn kết nhằm đối phó với bóng ma đại dịch đang đe dọa tới cuộc sống của hàng triệu người dân trong khu vực ASEAN.
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng hối thúc các nghị viện thành viên AIPA chung tay thiết lập các biện pháp và đề xuất năm chính sách nhằm phối hợp các nỗ lực trong khu vực để kiểm soát sự lây lan chưa từng thấy của dịch bệnh.
Tại cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo ASEAN với AIPA vào ngày 26/6 vừa qua, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh sự cần thiết của phương pháp tiếp cận toàn quốc nhằm hàn gắn và phục hồi toàn diện khu vực.
Ông Raneo khẳng định Hạ viện Philippines đánh giá cao sự nhiệt tình và tâm huyết của Quốc hội Việt Nam, thể hiện qua các nỗ lực nói trên nhằm giúp AIPA đóng góp cho quá trình phục hồi của khu vực ASEAN hậu đại dịch Covid-19.
Hạ viện Philippines cũng tán đồng và ủng hộ lời kêu gọi của Quốc hội Việt Nam tiếp tục xây dựng các sáng kiến nghị viện chung nhằm duy trì và bảo vệ những thành tựu đã đạt được, hướng tới hoàn tất quá trình xây dựng cộng đồng chính trị, kinh tế và văn hóa-xã hội ASEAN vào năm 2025.
Bên cạnh đó, Hạ viện Philippines đánh giá cao vai trò lãnh đạo và tình hữu nghị của Quốc hội Việt Nam trong giai đoạn khó khăn nhất của khu vực ASEAN, cũng như tin tưởng dưới sự chủ trì của Quốc hội Việt Nam, AIPA 2020 sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng để biến khu vực ASEAN trở nên kiên cường, gắn kết, chủ động thích ứng bất chấp mọi thách thức trong thời gian tới.