Ám ảnh vì… cuộc gọi rác

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giờ đây, tin nhắn rác không còn là nỗi ám ảnh thường trực với mọi người dùng thì các cuộc gọi rác vẫn đang hàng ngày gây phiền toái cho các thuê bao bất kể giờ giấc.

Tiếp thị gây phiền hà là vi phạm pháp luật
Những cuộc gọi rác chủ yếu để tiếp thị sản phẩm, dịch vụ, bán bất động sản, bảo hiểm, mời mở thẻ tín dụng… đang ngày càng gây nhiều phiền nhiễu cho người sử dụng điện thoại. “Rất nhiều lần tôi bị các cuộc gọi mời chào mua nhà, mua xe làm phiền, khó chịu tới mức tôi phải tắt máy để được yên trong 15 phút nghỉ trưa” – chị Nguyễn Thu Hiền (Công ty Summit) phản ánh.
 Ảnh minh họa
Các cuộc gọi rác cũng không trừ một ai, từ người lao động, nhân viên văn phòng cho đến giám đốc, lãnh đạo các cơ quan nhà nước… Thường xuyên nhận những cuộc gọi từ số lạ tiếp thị sản phẩm ngay cả khi đang điều hành cuộc họp, anh Trịnh Hải Lâm (Giám đốc Công ty CP Công nghệ A) bức xúc: “Không nghe thì sợ lỡ cuộc gọi có thể từ đối tác hoặc bạn bè, người thân cần trợ giúp mà nghe thì toàn là gọi để quảng cáo, bán hàng, mời mua nhà, mua xe… rất mất thời gian và ảnh hưởng tới sự tập trung trong công việc”. Anh Tuấn cho biết có ngày anh bị “khủng bố” bởi 5 cuộc gọi từ 5 số lạ khác nhau để mời mua cùng một dự án bất động sản đang “hot” tại Hà Nội. Những người dùng như anh Tuấn càng khó hiểu vì sao số điện thoại của mình lại được “phổ biến” rộng rãi tới mức cứ hễ có sản phẩm, dịch vụ nào mới xuất hiện trên thị trường là lập tức những ngày sau đó họ liên tục nhận được các cuộc gọi mời chào tiếp thị.

Giải thích về điều này, bà Lê Thị Ngọc Mơ - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết, có rất nhiều nguồn có thể làm rò rỉ thông tin cá nhân của người dùng, ví dụ từ bệnh viện, trường học, siêu thị, ngân hàng, bảo hiểm… Đây là những nơi mọi người phải cung cấp số điện thoại khi giao dịch. Luật Bảo vệ người tiêu dùng và Luật An toàn thông tin mới đây đã quy định rất rõ, người tiêu dùng khi tham gia mua bán, trao đổi hàng hóa dịch vụ thì được quyền bảo đảm thông tin cũng như bí mật cá nhân của mình. Những tổ chức cá nhân khi thu thập những thông tin khách hàng, người dân đều phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin đó. Trong trường hợp, các tổ chức, cơ quan để lộ bí mật thông tin của khách, dù là vô tình hay hữu ý tùy mức độ vi phạm, họ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bồi thường thiệt hại khi gây ra tổn hại cho cá nhân bị lộ thông tin, thậm chí tùy mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cũng theo bà Mơ, với những công ty tổ chức các cuộc gọi cung cấp nội dung tiếp thị người dùng không mong muốn, gây phiền hà thì đó chính là việc vi phạm pháp luật. Khi bị tiếp thị quá hai lần mà người tiêu dùng đã từ chối và có những bằng chứng lưu lại, ví dụ ghi âm lại tất cả cuộc gọi đó thì họ có đủ bằng chứng để kiện.

Nhà mạng có trách nhiệm?

Mới đây, khi có sự chỉ đạo quyết liệt từ cơ quan chủ quản là Bộ TT&TT với nhiều chế tài xử phạt mạnh tay đối với nhà mạng và đại lý sim thẻ bán sim kích hoạt sẵn thì sim rác đã không còn lan tràn trên thị trường, tin nhắn rác không còn hoành hành, tuy nhiên chúng ta vẫn chưa chặn được các cuộc gọi rác.

Theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, khi có yêu cầu từ người tiêu dùng hoặc cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền thì nhà mạng phải có trách nhiệm chặn những tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ của mình quấy rối người tiêu dùng. Tuy nhiên, để xử lý các tổ chức, cá nhân này thì nhà mạng cần bằng chứng (ví dụ ghi âm cuộc gọi). Chính vì thế, để bảo vệ mình thì người tiêu dùng phải chủ động lên tiếng và hợp tác với cơ quan quản lý và nhà mạng.

Mặt khác, chế tài xử phạt của luật hiện còn quá nhẹ, ví như, hoạt động phát tán lộ, lọt thông tin cá nhân chỉ chịu mức phạt từ 20 - 30 triệu đồng. Mức phạt như vậy là không mang tính răn đe vì lợi nhuận từ mua bán cơ sở dữ liệu khách hàng thu lời rất lớn. Do đó, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý thuộc Bộ TT&TT và Bộ Công Thương mà trực tiếp là Cục Quản lý cạnh tranh cần xem xét, hoàn thiện quy định pháp lý nhằm ngăn chặn mạnh tay các tổ chức, cá nhân mua bán, phát tán thông tin cá nhân, hoặc có hoạt động tiếp thị, quảng cáo gây phiền nhiễu người tiêu dùng.q

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), Cục đã làm việc với Tập đoàn Vingroup và đến cuối tháng 4/2017, Vingroup đã gửi văn bản đến các đại lý bán hàng cho Vingroup trên cả nước, nghiêm cấm các đại lý, nhân viên, cộng tác viên đại lý gọi điện, nhắn tin SMS giới thiệu các dự án do công ty làm chủ đầu tư. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tới 100 triệu đồng/lần, chấm dứt hợp đồng đại lý hoặc có thể đưa ra cơ quan chức năng xử lý… Hoạt động này đã được Vingroup triển khai đến toàn bộ khu vực Hà Nội và một phần phía Bắc; sắp tới sẽ áp dụng tại miền Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần