Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ấm áp tình người ở nơi sơ tán tránh lũ sông Hồng

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – 3 hôm nay, từ khi nước lũ sông Hồng dâng cao, những hộ gia đình vùng bãi của thôn Bồng Lai, xã Hồng Hà, Đan Phượng đã quen với nhịp sống mới ở nơi sơ tán. Ở đó, họ cảm nhận được sự quan tâm, đùm bọc của chính quyền địa phương cũng như bà con xóm giềng.

Xúc động khi Chủ tịch xã vượt lũ cứu dân

Buổi chiều, nắng đã hửng sau nhiều ngày mưa rả rích. Nhà văn hóa cụm 1, thôn Bồng Lai lại rộn ràng tiếng trẻ con nô đùa. Bên trong nhà văn hóa khang trang là khoảng 50 chiếc giường sắt được kê ngay ngắn, thẳng hàng, trải sẵn những tấm chiếu nhựa màu xanh, phục vụ bà con tránh lũ. Một vài người dân ngồi quây quần quanh những chiếc giường rôm rả trò chuyện, hỏi han nhau về dự định sau úng ngập. Bên cạnh là những bao gạo, can dầu, hộp bánh… được chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân trao tặng.

Ông Nguyễn Văn Hùng sơ tán từ ngoài bãi sông về nhà văn hóa cụm 1, thôn Bồng Lai, xã Hồng Hà.
Ông Nguyễn Văn Hùng sơ tán từ ngoài bãi sông về nhà văn hóa cụm 1, thôn Bồng Lai, xã Hồng Hà.

Ngồi vắt chân trên chiếc giường sắt, đôi mắt đục màu thời gian và nhiều suy tư của ông Nguyễn Văn Hùng, thôn Bồng Lai bộn bề những lo âu. 54 tuổi, trải qua biết bao nhiêu biến cố, thăng trầm của cuộc sống, lần đầu tiên ông Nguyễn Văn Hùng cảm nhận rõ lằn ranh của sự sống và cái chết. Với ông, điều kỳ diệu nhất trong đợt lũ là ông và hai cô con gái nhỏ (đứa lớn 4 tuổi, đứa nhỏ 2 tuổi) kịp thời được chính quyền xã Hồng Hà cứu hộ vào bờ, khi nước lũ sông Hồng đã dâng tới tận nóc nhà.

Trò chuyện với Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, đêm 10/9, nước lũ sông Hồng dâng nhanh. Ngôi nhà cấp 4 của gia đình ông nằm lọt thỏm giữa khu trũng của vùng bãi sông, nước lên ào ào, ông chỉ kịp định thần vơ vội vài bộ quần áo, đồ dùng cá nhân của hai cô con gái rồi bế con trèo lên mái nhà. Nước mỗi lúc càng dâng nhanh, chẳng mấy chốc đã ngập tới nóc nhà. Hơn 12 giờ đêm, ông Hùng cuống cuồng gọi điện thoại cho lãnh đạo xã, may thay đầu dây bên kia đã bắt máy.

Xã Hồng Hà có 5 hộ với 12 nhân khẩu sơ tán về nhà văn hóa cụm 1, thôn Bồng Lai.
Xã Hồng Hà có 5 hộ với 12 nhân khẩu sơ tán về nhà văn hóa cụm 1, thôn Bồng Lai.

“Nước lên cao, lại trong đêm nên rất khó tìm phương hướng nhà tôi. Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà phải gọi điện hướng dẫn tôi dùng áo vẫy báo hiệu. Nhìn thấy chiếc thuyền có Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà bơi ra cứu hộ, tôi mừng đến phát khóc vì ba bố con được cứu” – ông Nguyễn Văn Hùng xúc động chia sẻ.

Được bố trí sơ tán về nhà văn hóa cụm 1, thôn Bồng Lai, ba bố con ông Hùng luôn được chính quyền địa phương quan tâm hỏi thăm. May mắn, hai cô con gái nhỏ mất mẹ sớm, hiểu chuyện nên rất ngoan, không quấy khóc. “Toàn bộ 5ha phật thủ của tôi bị nước lũ nhấn chìm, coi như mất trắng. Tôi dự định sau khi lũ rút sẽ trồng cây ngắn ngày để có thu nhập nuôi con” – ông Hùng tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Mai trò chuyện với phóng viên Kinh tế & Đô thị.
Bà Nguyễn Thị Mai trò chuyện với phóng viên Kinh tế & Đô thị.

Cũng ở vùng bãi sông Hồng, khi nước lũ dâng cao, hai bà cháu bà Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1964) được sơ tán vào nhà văn hóa cụm 1, thôn Bồng Lai từ đêm 11/9. Ngồi trên chiếc giường sắt, ánh mắt đượm buồn của bà Mai hướng về vùng bãi, nơi vườn chuối gần 70 cây của gia đình bị gãy đổ do bão rồi lại ngập trong nước lũ. Tuy nhiên, bà luôn cảm thấy ấm lòng vì ở nơi sơ tán được bố trí nơi ăn chốn ở khang trang, đủ đầy, được chăm lo từng bữa cơm, giấc ngủ.

“Hơn 30 năm rồi kể từ năm 1989, tôi mới lại chứng kiến cảnh nước lũ dâng cao, phải sơ tán như lần này. Chúng tôi rất xúc động vì được chính quyền địa phương chăm lo, động viên, được các cơ quan, tổ chức, đoàn thể hỏi thăm, tặng quà. Sự sẻ chia kịp thời và ấm áp này khiến cho chúng tôi có thêm động lực để vượt qua khó khăn phía trước” – bà Nguyễn Thị Mai giãi bày.

Lực lượng dân quân tự vệ xã Hồng Hà nấu và mang suất cơm đến phục vụ người dân phải sơ tán.
Lực lượng dân quân tự vệ xã Hồng Hà nấu và mang suất cơm đến phục vụ người dân phải sơ tán.

Chăm lo tốt nhất cho người dân

Trung thu đã cận kề, với nhiều trẻ em ở vùng ngập úng, chịu ảnh hưởng của bão lụt có lẽ năm nay sẽ là một mùa Trung thu không trọn vẹn như những năm trước. Thấu hiểu điều đó, những ngày qua, Đoàn thanh niên huyện Đan Phượng đã tổ chức thăm, tặng quà Trung thu là những chiếc đèn ông sao đầy màu sắc, những hộp bánh Trung thu tròn vị cho các em nhỏ cùng gia đình sơ tán về nhà văn hóa cụm 1, thôn Bồng Lai. Những món quà nhỏ nhưng ý nghĩa này, giúp các em phần nào được cảm nhận không khí Tết Trung thu truyền thống.

Diện nguyên bộ quần áo đồng phục màu trắng của Trường Tiểu học Hồng Hà, cầm chiếc đèn ông sao chạy tung tăng vui chơi trong nhà văn hóa, cậu bé Đỗ Tiến Đức sung sướng vì tặng quà Trung thu sớm. Ánh mắt lém lỉnh, nụ cười hồn nhiên của cậu bé 7 tuổi như xóa đi biết bao âu lo mùa bão lũ. “Con rất vui vì được tặng quà Trung thu” – Đỗ Tiến Đức líu lo.

Cậu bé Đỗ Tiến Đức sung sướng vì tặng quà Trung thu sớm.
Cậu bé Đỗ Tiến Đức sung sướng vì tặng quà Trung thu sớm.

Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Hồng Hà Đinh Đức Hậu cho biết, khi nước sông Hồng dâng cao, xã triển khai các phương án ứng phó theo từng cấp độ báo động lũ. Trong đó chuẩn bị các địa điểm để sơ tán người dân vùng ngập úng. Với điểm nhà văn hóa cụm 1, thôn Bồng Lai, xã đã huy động trên 50 người gồm dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên tới dọn dẹp, kê giường, bố trí nơi ở cho người dân vùng bãi vào sơ tán. Toàn bộ số giường được trưng dụng từ điểm thu dung cách ly Covid-19 của xã Hồng Hà.

“Hàng ngày, lực lượng dân quân tự vệ xã sẽ chuẩn bị các suất cơm đủ chất dinh dưỡng mang đến phục vụ bà con” - Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Hồng Hà Đinh Đức Hậu cho biết thêm.

Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Hồng Hà Đinh Đức Hậu thăm hỏi, động viên người dân sơ tán.
Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Hồng Hà Đinh Đức Hậu thăm hỏi, động viên người dân sơ tán.

Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà cho biết, theo tình huống báo động lũ số 2 tại xã Hồng Hà, thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động Nhân dân không cho dân sản xuất toàn bộ ngoài bãi sông ngập. Đồng thời di chuyển toàn bộ toàn bộ 891 hộ (4.100 nhân khẩu) và tài sản của các hộ vào nhà văn hóa cụm dân cư, trường học trên địa bàn. Trong đó, chủ yếu các hộ sơ tán vào nhà người thân, chỉ có 5 hộ với 12 nhân khẩu ở vùng bãi sông Hồng di chuyển vào nhà văn hóa cụm 1, thôn Bồng Lai.

“Xã chỉ đạo các lực lượng, tổ chức đoàn thể tập trung chăm lo tốt nhất đời sống cho người dân phải sơ tán, bảo đảm bà con yên tâm chờ nước rút để trở lại dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống” – ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết.

Ủy ban MTTQ và các ngành, đoàn thể huyện Đan Phượng tặng quà lực lượng làm nhiệm vụ và người dân vùng ngập úng xã Hồng Hà.
Ủy ban MTTQ và các ngành, đoàn thể huyện Đan Phượng tặng quà lực lượng làm nhiệm vụ và người dân vùng ngập úng xã Hồng Hà.

Ngày 13/9, nước lũ đã rút nhanh. Người dân xã Hồng Hà lại bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa, đường sá, sớm ổn định cuộc sống. Trong ngày, UBND xã Hồng Hà đã cử các lực lượng, trong đó có đoàn viên thanh niên xuống sửa chữa, dọn dẹp ngôi nhà bỏ không của họ hàng để lại, cho 3 bố con ông Nguyễn Văn Hùng từ nơi sơ tán về ở. Dù đồ đạc trong nhà còn đơn sơ nhưng nụ cười đã nở lại trên môi người đàn ông có cuộc đời đầy sóng gió như nước sông Hồng cuộn trôi mùa lũ này. Ngày mai, nhịp sống mới lại bắt đầu…

 

Ngày 13/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đã có Lệnh rút báo động I trên sông Hồng tại địa phận thị xã Sơn Tây và các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Mê Linh.