Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ấn Độ đổi tiền chống tham nhũng: Lợi bất cập hại

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ Ấn Độ đã quyết định mạo hiểm hủy giá trị hai đồng tiền mệnh giá lớn nhất để đối phó với nạn rửa tiền, tham nhũng.

 Chính sách này chưa chứng minh được hiệu quả, trong khi đem đến xáo trộn đáng kể cho cuộc sống người dân cũng như thị trường tiền tệ nước này. 

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 12/11 đột ngột tuyên bố hủy giá trị của hai đồng tiền giấy mệnh giá 500 và 1.000 rupee. Người dân có thể mang hai loại tiền này tới đổi tại ngân hàng từ nay cho tới cuối năm. Ước tính, số tiền mệnh giá này chiếm khoảng 86% tổng giá trị tiền mặt đang lưu thông trên thị trường Ấn Độ. Quá trình thu hồi hai đồng tiền mệnh giá lớn đi kèm yêu cầu các đối tượng tới ngân hàng đổi tiền phải trình bày nguồn gốc khoản tiền được kỳ vọng sẽ làm giảm tình trạng tham nhũng, rửa tiền ở Ấn Độ. 

 

Các quốc gia Bắc Âu như Na Uy, Thụy Điển có tỷ lệ sử dụng tiền mặt thấp, cũng dẫn đầu trong cuộc chiến chống tham nhũng toàn cầu. Tuy nhiên, trong trường hợp của Ấn Độ, sử dụng cải cách tiền tệ để minh bạch hóa có thể gây tác dụng ngược.

Người dân Ấn Độ đa số dựa vào giao dịch tiền mặt để thanh toán mặt hàng cơ bản như thực phẩm, dịch vụ y tế. Đợt đổi tiền quy mô lớn đã khiến cuộc sống người dân trở nên điêu đứng. Truyền thông Ấn Độ cho biết, đã có trường hợp tử vong sau thời gian xếp hàng đổi tiền quá lâu tại các ngân hàng hay máy ATM. Tại bang Tây Bengal, một người đàn ông bị cáo buộc sát hại vợ sau khi bà không đủ kiên nhẫn xếp hàng nên trở về nhà mà không rút được tiền từ máy ATM. Thậm chí có thông tin bác sĩ từ chối điều trị vì bệnh nhân thanh toán viện phí bằng tờ 500 và 1.000 rupee cũ. Thị trường sản xuất, lao động và tài chính của Ấn Độ cũng bị xáo trộn. Các DN vừa và nhỏ tại Ấn Độ gặp khó khăn vì phải thanh toán lương, chi phí nguyên liệu và các chi phí khác bằng tiền mặt. Cùng với đó, giá vàng ở Ấn Độ tăng mạnh khi nhiều người chưa khai báo tài sản đã đổ xô đi mua vàng ngay sau tuyên bố đổi tiền của Thủ tướng.

Nhiều đám cưới bị trì hoãn vì các khoản thanh toán từ phòng cưới, hoa, thực phẩm thường được trả bằng tiền mặt. Trước những xáo trộn trên, Thủ tướng Narendra Modi đã phải đưa ra một số điều chỉnh, đồng thời chấn an người dân rằng đây là biện pháp duy nhất để triệt tiêu "tiền đen”. 

Quyết định của ông Narendra Modi thể hiện sự quyết liệt trong cuộc chiến chống nạn tham nhũng và trốn thuế, nhưng những mặt trái của chính sách này có thể kéo lùi đà tăng trưởng của nền kinh tế 1,2 tỷ dân. Theo các chuyên gia phân tích, nếu sự bất tiện này kéo dài, có khả năng dân chúng sẽ hướng sự phẫn nộ về phía chính quyền Thủ tướng Modi và khiến ông có thể phải trả giá về mặt chính trị. Hãng tin Bloomberg nhận định, Ấn Độ quá lớn và phức tạp cho việc đón nhận “cú sốc” này. Dù đợt đổi tiền quy mô lớn này có thể qua đi, uy tín của chính phủ vẫn sẽ bị sứt mẻ nghiêm trọng sau tất cả những hệ lụy tiêu cực.