Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

An toàn thực phẩm trong bếp ăn tập thể: Sớm bịt các “lỗ hổng”

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 9/8, báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở Y tế Hà Nội tổ chức tọa đàm trực tuyến về “Bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) bếp ăn tập thể (BATT) khu công nghiệp (KCN)”. “Lỗ hổng” trong vấn đề ATTP tại các BATT hiện nay là kiểm soát nguồn gốc và chất lượng thực phẩm.

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng để bịt "lỗ hổng” này cần tăng cường trách nhiệm của nhà quản lý và đạo đức của các DN.

Nhiều sai phạm vẫn tồn tại

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, hiện trên trên địa bàn Hà Nội có 4.256 BATT, trong đó có 457 BATT KCN. Mặc dù công tác quản lý ATTP các BATT KCN đã được chú trọng, thậm chí giữa Sở Y tế và Ban Quản lý KCN và chế xuất Hà Nội đã ký Quy chế phối hợp về bảo đảm ATTP cho các cơ sở, song vẫn lác đác xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tại các BATT. Theo ông Chung, nguyên nhân chủ yếu do quá trình chế biến, vận chuyển chưa đảm bảo các điều kiện về ATTP, đặc biệt nguồn gốc nguyên liệu chưa được kiểm soát chặt chẽ, nhận thức của người chế biến còn hạn chế.
 Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung phát biểu tại buổi tọa đàm.  Ảnh:  Văn Trọng
Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Hoàng Thị Minh Thu chỉ ra, qua kiểm tra các BATT tại các KCN, cơ quan chức năng đã phát hiện một số lỗi hay gặp như: Thiết kế và tổ chức bếp không theo nguyên tắc một chiều, hệ thống cống thoát nước không đảm bảo; kho và thực hiện bảo quản thực phẩm không đúng; người chế biến không khám sức khỏe hoặc xác nhận kiến thức vệ sinh thực phẩm. Một phần do chủ DN chưa thực sự quan tâm đến việc đảm bảo ATTP tại BATT. Có DN đã giao cho bộ phận nhân sự quản lý, nhưng bộ phận này lại ít khi kiểm tra hoặc nếu có cũng chỉ là hình thức. Một số DN liên kết nhà thầu kinh doanh dịch vụ ăn uống nấu tại chỗ, nhưng lại chưa chủ động cùng nhà thầu khắc phục các điều kiện về cơ sở vật chất không đảm bảo tại bếp của đơn vị mình. Qua kiểm tra, Chi cục đã xử phạt 9 BATT vi phạm với số tiền 49,5 triệu đồng, Thanh tra Sở Y tế cũng đã kiểm tra 37 BATT, xử phạt 5 cơ sở số tiền 36 triệu đồng.

Mập mờ nguồn gốc thực phẩm

Mặc dù hầu hết các BATT đều xuất trình được đầy đủ hồ sơ pháp lý, hợp đồng cung cấp thực phẩm, song chính chủ DN cũng băn khoăn về sự trung thực của nhà cung cấp. Bà Hà Linh Chi - đại diện Công ty TNHH Panasonic Appliances Việt Nam (KCN Thăng Long) chia sẻ, BATT tại Công ty Panasonic thiết kế đảm bảo quy định ATTP với kho bảo quản thực phẩm riêng, thực phẩm đầu vào được yêu cầu có nguồn gốc rõ ràng, thực đơn các ngày liên tiếp khác nhau để tránh sử dụng lại nguyên liệu tồn từ hôm trước.

Sức khỏe người lao động là tài sản của doanh nghiệp

"Ban Quản lý được giao 9 KCN trên 8 quận, huyện TP, bao gồm 147.000 lao động trong đó có 1.200 lao động nước ngoài. Năm 2015, Ban Quản lý đã ký với Sở Y tế quy chế phối hợp và cho đến nay đã thực hiện tốt các nhiệm vụ chỉ đạo, chế độ báo cáo và thông tin thường xuyên. Hàng năm, chúng tôi tổ chức 2 đợt tập huấn về bảo đảm ATTP BATT cho đối tượng là các chủ DN, chủ cơ sở chế biến. Ngoài ra, theo tôi, việc tính toán, xây dựng giá suất ăn cho người lao động cần phải được linh hoạt. Cơ bản là chủ DN cần quan tâm tới đời sống người lao động, có chế độ phù hợp với từng vị trí lao động và có ý thức trong bảo vệ quyền lợi cho người lao động, coi sức khỏe của người lao động là tài sản của DN." - Trưởng Văn phòng Đại diện Ban quản lý các khu công nghiệp & Chế xuất Hà Nội Đỗ Tiến Đản
Tuy nhiên, bà Linh băn khoăn, khi kiểm tra đơn vị thầu bếp ăn thì đều có hồ sơ hợp đồng nhập thực phẩm rõ ràng nhưng không thể kiểm soát hàng ngày thực phẩm đầu vào có đúng nơi cung cấp như hợp đồng hay không. Cùng lo lắng này, đại diện quản lý BATT Công ty TNHH Denso Việt Nam (KCN Thăng Long) Nguyễn Thị Hoàng Mai bày tỏ, DN cũng chủ động kiểm tra thường xuyên vấn đề bảo đảm ATTP của nhà cung cấp, thậm chí truy xuất nguồn gốc đến tận nhà cung cấp nhỏ lẻ, nhưng trong một năm cũng chỉ kiểm tra được nơi cung cấp thực phẩm đầu vào chính 1 – 2 lần.

Ông Võ Việt Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội dẫn chứng tình trạng các DN nhỏ lẻ liên kết với DN lớn về sản xuất thực phẩm sạch để “làm đẹp” hồ sơ nhưng sau đó lại nhập thực phẩm trôi nổi từ bên ngoài để cung cấp cho các BATT. Bên cạnh đó, theo ông Dũng, giá thành suất ăn của công nhân của nhiều DN trong các KCN hiện nay còn thấp, khó có thể đảm bảo về dinh dưỡng cũng như chất lượng thực phẩm. Bà Trần Kiều Hương – đại diện Công ty TNHH Dịch vụ ăn uống Ba Sao chia sẻ, trong thực đơn của công nhân phải đảm bảo định lượng và chất cho một suất ăn, trong khi đó DN đặt suất ăn chỉ có giá 18.000 đồng. Mặt khác, bếp ăn của công ty phân bố rải rác chứ không tập trung lại một chỗ, khiến cho số lượng tổng lớn nhưng số lượng đơn lẻ tại mỗi bếp lại không nhiều nên nhiều đơn vị cung cấp thực phẩm sạch không đáp ứng được yêu cầu vận chuyển đến từng bếp. Chính vì vậy, công ty thường phải lựa chọn nhà cung cấp địa phương.

Người sản xuất, chế biến phải có đạo đức

Để thực phẩm bẩn không có “cửa” vào các BATT, theo ông Võ Việt Dũng, các cơ quan chức năng cần kiểm tra thực chất, truy xuất đến cùng nguồn gốc thực phẩm để tránh tình trạng các nhà cung cấp thực phẩm “treo đầu dê, bán thịt chó”. Đồng thời, ông Dũng mong muốn cơ quan quản lý kết nối để các DN sản xuất thực phẩm an toàn gặp được những DN có nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn. Trực tiếp là đơn vị chế biến, bà Trần Kiều Hương cho rằng, chính các DN chế biến phải hướng đến mục tiêu “cung cấp dịch vụ an toàn” để từ đó xây dựng quy trình làm việc, nội dung đào tạo nhân viên và các nhà cung cấp cùng hướng đến mục tiêu này. Đồng thời phải thường xuyên giám sát và hướng dẫn cụ thể cho nhà cung cấp thực phẩm, người chế biến về vấn đề bảo đảm ATTP, có chế tài thưởng, phạt cụ thể.

Về phía cơ quan quản lý, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung nhấn mạnh, thời gian tới, Sở sẽ tăng cường tổ chức phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP, quy trình điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm cho chủ cơ sở, người chế biến, người quản lý BATT của các DN. Bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra, sẽ tăng cường xử phạt vi phạm tại các BATT nhằm tăng sức răn đe và nâng cao trách nhiệm của các DN có BATT. Bên cạnh đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức thực hành của người chế biến, người sử dụng trong phòng, chống các nguy cơ về lây nhiễm và ngộ độc thực phẩm.

Lựa chọn nhà cung cấp uy tín

"Hiện nay, nguồn thực phẩm Hà Nội sản xuất chỉ cung cấp được khoảng 60%, còn lại 40% nhập từ ngoại tỉnh. Đối với các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, TP Hà Nội đã xây dựng các chương trình, đề án để sản xuất vùng tập trung và đang được kiểm soát rất tốt nhờ lực lượng của nông nghiệp trên địa bàn các xã giám sát, quản lý sản xuất trước khi ra thị trường. Đối với 40% phần nhập khẩu từ ngoại tỉnh, TP Hà Nội đã ký kết với 21 tỉnh, TP phía Bắc cung cấp thực phẩm sạch về TP Hà Nội. Với các công ty sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc TP quản lý, chúng tôi đã thực hiện kiểm tra, đánh giá, phân loại sản phẩm đảm bảo ATTP sẽ được gắn mã QR code nhằm theo dõi, truy xuất nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, các công ty, BATT có thể lựa chọn những đơn vị có uy tín đã được thẩm định." - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát