Anh - Trung Quốc có viết tiếp được kỷ nguyên vàng?

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mục tiêu tham vọng của Anh là đạt được một thỏa thuận thương mại với nền kinh tế thứ hai thế giới trong chuyến thăm 3 ngày của Thủ tướng May đến Trung Quốc.

Thủ tướng Anh Theresa May và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp tại Bắc Kinh trong chuyến thăm song phương đầu tiên của bà May đến Trung Quốc để thảo luận các vấn đề đối ngoại, an ninh, thương mại và văn hóa. Trước chuyến thăm, khả năng ký kết một thỏa thuận thương mại tự do giữa 2 nước đã được bà May đề cập.
Thủ tướng Anh Theresa May và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 
"Trung Quốc là một đất nước mà chúng tôi muốn có một thỏa thuận thương mại" - Thủ tướng Anh nói với các phóng viên trước thềm chuyến thăm. Trung Quốc mới chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong xuất khẩu của Anh - khoảng 3,1% năm 2016, so với 43% của Liên minh châu Âu (EU). Điều này cho thấy dư địa thương mại giữa 2 nước vẫn còn rất lớn. 
Tăng cường quan hệ với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trở nên khẩn cấp hơn sau khi Anh tiến hành bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) năm 2016. Trung Quốc hiện được xem là điểm "then chốt" trong các kế hoạch tiến tới thiết lập những thỏa thuận thương mại và quan hệ đối tác ngoại giao mới trên khắp thế giới thời kỳ hậu Brexit. 
Ông Cui Hongjian - Giám đốc Viện nghiên cứu châu Âu thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc ở Bắc Kinh nhận định, chuyến thăm có vai trò quan trọng đối với cả 2 nước. Đây là chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Anh kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân về Brexit và đối với cả hai bên, thì mục đích cao nhất của chuyến thăm là tái khẳng định vị trí của quan hệ Trung - Anh trong “kỷ nguyên vàng” - cụm từ được cựu Thủ tướng David Cameron sử dụng lần đầu tiên trong chuyến thăm của ông Tập đến Anh năm 2015. Do áp lực từ Brexit, chuyến thăm lần này sẽ là dịp 2 bên có thể trao đổi tốt hơn với nhau để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc trong quan hệ thương mại, ông Cui nói thêm.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, có thể trở thành một nguồn khách hàng và đầu tư quan trọng hơn đối với Anh khi kế hoạch rời khỏi EU vào tháng 3/2019 vẫn đang mù mờ. Sau cuộc gặp với các lãnh đạo Trung Quốc tại Bắc Kinh, bà May sẽ thăm Thượng Hải để thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư. Các khoản đầu tư đáng chú ý của Trung Quốc vào Anh bao gồm nhà máy điện hạt nhân Hinkley C đang được Tổng công ty Năng lượng hạt nhân Trung Quốc và chi nhánh tại Anh của công ty EDF (Pháp) xây dựng. Trong khi đó, các công ty Anh như Rolls Royce giành được nhiều hợp đồng lớn cung cấp các mặt hàng như động cơ máy bay từ các công ty Trung Quốc. Anh cũng là quốc gia phương Tây đầu tiên đăng ký vào Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á và cử Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond tới hội nghị thượng đỉnh Bắc Kinh vào năm ngoái về Sáng kiến “Vành đai con đường” do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng.
Mặc dù vậy, bà May dường như thận trọng hơn người tiền nhiệm David Cameron trong việc nắm bắt nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc. Trước thềm chuyến thăm, Thủ tướng Anh cũng nhấn mạnh, trước mắt Trung Quốc cần gỡ bỏ các rào cản thương mại và mở cửa thị trường để các DN Anh có thể đầu tư vào nước này. Bên cạnh đó, trong khi các nguồn tin ngoại giao cho biết, Trung Quốc bày tỏ sẵn sàng thảo luận về một thỏa thuận thương mại tự do trong tương lai với Anh, các cuộc đàm phán chính thức vẫn không thể bắt đầu cho đến khi nước Anh chính thức rời khỏi EU vào năm tới. Sau đó, việc thương lượng về một thỏa thuận thương mại vẫn mất nhiều thời gian.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần