Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Australia: lo ngại về sự cô lập của giới trẻ sau lệnh cấm mạng xã hội

Khánh Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự luật hạn chế độ tuổi truy cập mạng xã hội của Úc đã làm dấy lên lo ngại về việc giới trẻ, đặc biệt là các nhóm thiểu số, có thể bị ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần do thiếu các kênh kết nối xã hội.

Sinh ra ở Congo, từng sống trong một trại tị nạn ở Malawi trước khi định cư ở Darwin (Úc), mạng xã hội là cầu nối quan trọng giúp Tereza Hussein liên lạc và gần gũi hơn với gia đình, đặc biệt là bà ngoại - người mà cô chưa được gặp bao giờ.

Dù hiếm khi đăng bài, Hussein vẫn thường xuyên sử dụng Instagram và Snapchat để xem ảnh và trò chuyện video với gia đình và bạn bè. 

“Mạng xã hội là kênh duy nhất để tôi gặp gỡ bà ngoại. Nếu bị cấm, tôi sẽ rất nhớ và khó khăn trong việc liên lạc với bạn bè, người thân ở quê nhà” - Tereza Hussein chia sẻ.

Lệnh cấm mạng xã hội hoàn toàn có thể đẩy thanh thiếu niên vào tình trạng cô lập. Ảnh: Jelly Tse
Lệnh cấm mạng xã hội hoàn toàn có thể đẩy thanh thiếu niên vào tình trạng cô lập. Ảnh: Jelly Tse

Theo các chuyên gia, chính sách hạn chế độ tuổi sử dụng mạng xã hội của Úc, dù nhằm mục tiêu bảo vệ trẻ em, song lại tạo ra ‘điểm mù’ đối với các nhóm thiểu số, dễ bị tổn thương. Ngoài người nhập cư, cộng đồng LGBTQIA+ cũng phụ thuộc nhiều vào mạng xã hội để kết nối và tìm kiếm sự hỗ trợ.

Với tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội lên đến 97%, Chính phủ Úc đang cân nhắc hạn chế truy cập và thử nghiệm về cơ chế xác minh độ tuổi.

Tuy nhiên, ý kiến trái chiều cho rằng, lệnh cấm hoàn toàn sẽ khiến những em thuộc nhóm thiểu số trong xã hội, cảm thấy bị cô lập hơn. Họ cho rằng, thay vì áp dụng lệnh cấm đoán cứng nhắc, việc tạo ra một môi trường mạng an toàn và giáo dục kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho trẻ mới là giải pháp bền vững.

Amelia Johns, Phó giáo sư truyền thông kỹ thuật số tại Đại học Công nghệ Sydney, người đã nghiên cứu về việc sử dụng mạng xã hội của thanh thiếu niên di cư trong thời gian đại dịch Covid-19, đã bày tỏ sự không đồng tình với chính sách này.

Bà nhấn mạnh: “Lệnh cấm này đi ngược lại hoàn toàn với những đề xuất và nghiên cứu của chúng tôi. Mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của giới trẻ. Hơn nữa, việc cấm hoàn toàn có thể gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe tinh thần cho các em”.

Hiện nay, chưa có quốc gia nào trên thế giới thực hiện lệnh cấm hoàn toàn đối với việc sử dụng mạng xã hội của người dưới tuổi vị thành niên. Một số nước như Pháp và Anh đã từng thử nghiệm cơ chế xác minh độ tuổi người dùng nhưng không áp dụng lệnh cấm hoàn toàn. Tại Mỹ, một số bang cũng chỉ dừng lại ở việc xác minh độ tuổi đối với nội dung hạn chế.

Úc dự kiến sẽ ban hành luật cụ thể về vấn đề này vào cuối năm nay, với đề xuất giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội từ 14 đến 16 tuổi.

Ben Kioko (14 tuổi), sống tại Sydney, thuộc cộng đồng LGBTQIA+, chia sẻ nếu không có mạng xã hội, tình trạng trầm cảm sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi luôn cảm thấy cô đơn và lo lắng.

Chia sẻ về vấn đề này, Thủ tướng Anthony Albanese nói: “Giống như các bậc phụ huynh khác, tôi muốn các em ra ngoài chơi thể thao thay vì sử dụng mạng xã hội quá nhiều”.

Justine Humphry, chuyên gia truyền thông tại Đại học Sydney, cho rằng trong thời đại ngày nay, việc hoàn toàn tách rời trẻ em khỏi các thiết bị điện tử là không thực tế.

Về các nền tảng mạng xã hội, Meta (công ty sở hữu Facebook và WhatsApp) trước đó đã khẳng định ưu tiên bảo vệ người dùng trẻ tuổi trên các nền tảng của mình. Công ty này đã nâng cao cài đặt quyền riêng tư cho người dùng Instagram dưới 18 tuổi, và yêu cầu sự đồng thuận của phụ huynh đối với những thay đổi cài đặt. Tuy nhiên, Meta cũng cho rằng các nhà sản xuất thiết bị di động nên có trách nhiệm hơn trong việc hạn chế độ tuổi truy cập các nền tảng mạng xã hội.

Trong khi đó, Alphabet, chủ sở hữu của YouTube, cho biết đã cung cấp các công cụ cho phép phụ huynh giám sát hoạt động của con em mình trên nền tảng này.

Các chuyên gia cảnh báo việc hạn chế độ tuổi trên mạng xã hội có thể không khả thi do sự tồn tại của các công cụ như VPN, cho phép người dùng dễ dàng ẩn danh và vượt qua các rào cản kỹ thuật.

Nghiên cứu về tính hiệu quả của cơ chế xác minh độ tuổi truy cập mạng xã hội của Pháp vào năm 2022 đã phát hiện, gần một nửa thanh thiếu niên có thể sử dụng VPN để truy cập các nền tảng mạng xã hội, bất chấp quy định về độ tuổi.

Antonio Cesarano, quản lý sản phẩm của Proton VPN, cho biết số lượng người dùng VPN thường tăng vọt khi các quốc gia đưa ra quy định hạn chế độ tuổi truy cập mạng xã hội.

Năm 2021, ngay sau khi YouTube siết chặt kiểm soát độ tuổi, lập trình viên ZerodyOne đã tung ra một phần mềm miễn phí trên GitHub giúp người dùng dễ dàng bỏ qua các hạn chế này. Với hơn 2,5 triệu lượt tải về, phần mềm này cho thấy nhu cầu lớn của người dùng trong việc truy cập nội dung bị giới hạn, đồng thời đặt ra câu hỏi về hiệu quả của các biện pháp kiểm soát độ tuổi của YouTube.

Enie Lam (16 tuổi), học sinh trung học ở Sydney, cho biết do nhà trường hạn chế truy cập wifi, em thường sử dụng VPN để có thể vào các trang web hỗ trợ việc học khi ở trên trường.

“Em nhận thức được rằng sử dụng mạng xã hội nhiều không phải là điều tốt, và em cũng đang cố gắng kiềm chế điều đó. Nhưng, em nghĩ lệnh cấm hoàn toàn sẽ không có hiệu quả” - Enie Lam nói.