Theo Reuters, động thái trên diễn ra sau khi Ủy ban châu Âu (EC) quyết định không gia hạn các hạn chế đối với ngũ cốc Ukraine tại 5 nước láng giềng thuộc Liên minh châu Âu (EU) của Kiev.
Ukraine là một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt hồi năm ngoái, làm giảm khả năng vận chuyển sản phẩm nông nghiệp của Kiev ra thị trường toàn cầu.
Nông dân Ukraine từ đó phải dựa vào xuất khẩu ngũ cốc qua các nước láng giềng do nước này không thể sử dụng các tuyến đường thuận lợi qua các cảng Biển Đen.
Tuy nhiên, làn sóng ngũ cốc và hạt có dầu tràn vào các nước láng giềng của Ukraine dẫn đến tình trạng giảm giá, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân địa phương và khiến chính phủ các nước này buộc phải cấm nhập khẩu nông sản từ Ukraine.
Hồi tháng 5, EU vào cuộc để ngăn chặn từng nước áp đặt lệnh cấm đơn phương. Những hạn chế do EU áp đặt đã cho phép Ba Lan, Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia cấm bán lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương của Ukraine trong nước, đồng thời cho phép quá cảnh những hàng hóa đó tới các khu vực khác.
EU thông báo lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine với 5 nước trên hết hiệu lực từ ngày 15/9 sau khi Kiev cam kết thực hiện các biện pháp thắt chặt kiểm soát xuất khẩu sang các nước láng giềng. Vấn đề này đặc biệt nhạy cảm hiện nay khi nông dân thu hoạch mùa màng và chuẩn bị bán ngũ cốc.
Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis yêu cầu các nước nên kiềm chế các biện pháp đơn phương chống lại việc nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine.
Nhưng Ba Lan, Slovakia, Hungary ngay lập tức phản ứng bằng cách tái áp đặt các hạn chế riêng đối với nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine.
Cụ thể, ngày 15/9, Hungary công bố áp đặt lệnh cấm nhập khẩu đối với 24 sản phẩm nông nghiệp của Ukraine, bao gồm ngũ cốc, rau, một số sản phẩm thịt và mật ong. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 16/9.
Theo RT, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố rằng Warsaw sẽ đơn phương chặn việc nhập khẩu nông sản từ Ukraine bắt đầu từ đêm ngày 15/9.
Bộ Nông nghiệp Slovakia cũng có quyết định tương tự đối với ngũ cốc của Ukraine từ ngày 15/9. Lệnh cấm chỉ áp dụng đối với hàng nhập khẩu trong nước và không ảnh hưởng đến việc vận chuyển sang các thị trường tiếp theo.
Ba Lan, Slovakia, Hungary cho rằng hành động của họ là vì lợi ích nền kinh tế trong nước. "Lệnh cấm bao gồm bốn loại ngũ cốc, nhưng cũng theo yêu cầu của tôi và nguyện vọng của nông dân, lệnh cấm đã được mở rộng thêm ngô, lúa mì, hạt cải dầu" - Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Robert Telus cho biết.
Tuyến đường Đoàn kết
EU cũng đã tạo ra các tuyến đường bộ thay thế, được gọi là Tuyến đường Đoàn kết, để Ukraine sử dụng xuất khẩu ngũ cốc và các hạt có dầu sau khi Nga rút khỏi Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen do Liên hợp quốc làm trung gian vào tháng 7.
EC quyết định không gia hạn các biện pháp hạn chế hiện tại đối với ngũ cốc Ukraine sau khi Kiev cam kết thực hiện các biện pháp thắt chặt kiểm soát xuất khẩu sang các nước láng giềng, đặc biệt là việc cấp phép xuất khẩu trong vòng 30 ngày.
EC cho biết họ sẽ không áp đặt bất kỳ hạn chế nào miễn là các biện pháp hiệu quả của Ukraine được áp dụng và phát huy đầy đủ.
Hiện chưa rõ Ukraine đã cam kết hạn chế xuất khẩu bao nhiêu hoặc các lệnh cấm mới sẽ tác động như thế nào đến dòng sản phẩm từ Ukraine. Vấn đề này làm nổi bật sự chia rẽ trong EU về tác động của cuộc xung đột ở Ukraine đối với nền kinh tế của các thành viên khối này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm 15/9 hoan nghênh quyết định mới nhất của EU, đồng thời cho biết chính phủ của ông sẽ phản ứng "một cách văn minh" nếu các nước thành viên EU vi phạm quy tắc của khối.
Cùng ngày, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal nói rằng quyết định của EU là "hợp pháp, công bằng" và sẽ giúp duy trì an ninh lương thực thế giới.
Nông dân ở 5 quốc gia láng giềng Ukraine là Ba Lan, Romania, Bulgaria, Hungary và Slovakia… đã nhiều lần biểu tình phản đối về tình trạng dư thừa sản phẩm ngũ cốc ở thị trường trong nước, gây ảnh hưởng đến giá cả nông sản, đẩy người dân và doanh nghiệp đến bờ vực phá sản.
Trước đó, hôm 14/9, ngoại trừ Bulgaria, 4 nước còn lại tuyên bố đang nghiên cứu có thể sẽ đưa ra các biện pháp đơn phương gia hạn các hạn chế tiếp theo đối với các sản phẩm ngũ cốc của Ukraine để bảo vệ thị trường trong nước.
Romania, cũng như cả Bungaria, không ban hành lệnh cấm đơn phương, nhưng cho biết họ “rất tiếc vì không thể thuyết phục EC gia hạn biện pháp hạn chế đối với ngũ cốc Ukraike". Nước này cho biết sẽ đợi Ukraine trình bày kế hoạch ngăn chặn sự gia tăng xuất khẩu trước khi quyết định cách bảo vệ nông dân của mình.
Romania chứng kiến hơn 60% dòng chảy thay thế đi qua lãnh thổ của mình, chủ yếu qua sông Danube và nông dân nước này đã đe dọa phản đối nếu lệnh cấm không được gia hạn.
Trong năm ngoái, Ukraine đã chuyển 60% hàng xuất khẩu của mình qua Tuyến đường Đoàn kết và 40% qua Biển Đen nhờ Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen. Vào tháng 8, khoảng 4 triệu tấn ngũ cốc Ukraine đã đi qua tuyến đường này, trong đó gần 2,7 triệu tấn đi qua sông Danube.