Bộ trưởng Nông nghiệp Hungary Istvan Nagy cho biết giá lúa mì ở Hungary đã giảm tới 37% do nguồn cung giá rẻ từ Ukraine tràn vào, dẫn đến thiệt hại lớn cho nông dân trong nước.
Năm ngoái, các sản phẩm nông nghiệp từ Ukraine đã được miễn thuế khi nhập cảnh vào các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Theo tờ Magyar Nemzet, EU ban đầu quảng bá sáng kiến này như một cách giúp hàng xuất khẩu của Ukraine đến các quốc gia nghèo hơn ở Trung Đông và châu Phi. Trên thực tế, phần lớn ngũ cốc Ukraina đã dừng lại ở Đông Âu, tạo ra tắc nghẽn hậu cần, gây ảnh hưởng tiêu cực đến giá cả và việc bán hàng của nông dân trong khu vực.
Bộ trưởng Nagy giải thích thêm: “Xuất khẩu hàng hải của Ukraine đã được khôi phục một phần, nhưng các hành lang trên đất liền không cho phép đạt được mục tiêu ban đầu. Hàng hóa từ Ukraine không đến được tay người mua mà bị mắc kẹt ở các nước láng giềng EU, khiến ngũ cốc và hạt có dầu địa phương không bán được, gây thiệt hại đáng kể cho các nhà sản xuất trong khu vực”.
Nông dân ở Ba Lan, Hungary, Romania, Slovakia và Bulgaria đã báo cáo thiệt hại đáng kể do dư thừa ngũ cốc của Ukraine. Vào ngày 15/4, Ba Lan là nước đầu tiên áp hạn chế tạm thời với ngũ cốc và hạt có dầu cùng một số sản phẩm nông nghiệp khác từ Ukraine. Sau đó một ngày, Hungary cũng có động thái tương tự.
Theo Bộ trưởng Nagy, giá lúa mì thực phẩm, chưa bao gồm VAT và chi phí vận chuyển, do các nhà sản xuất ngũ cốc ở Hungary ấn định thấp hơn 27% so với một năm trước đó. Trong khi đó, giá lúa mì làm thức ăn chăn nuôi thấp hơn 37% và ngô làm thức ăn chăn nuôi cũng giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nagy cảnh báo đà giảm giá có thể chưa dừng lại, và thậm chí các nhà sản xuất trong nước không thể bán được sản phẩm, cho thấy nông dân Hungary đang chịu tổn thất nặng nề.
Theo ông, tổng nhập khẩu ngũ cốc và hạt có dầu của Ukraine sang Hungary đã tăng vọt lên 2,5 triệu tấn trong năm ngoái, trong khi nguồn cung của những năm trước chỉ đạt 40-60.000 tấn.
Vào tháng 3 vừa qua, Thủ tướng các nước Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia đã yêu cầu Ủy ban châu Âu có hành động với xuất khẩu nông sản của Ukraine và kêu gọi liên minh áp đặt lại thuế nhập khẩu đối với sản phẩm nông nghiệp của Kiev. Đầu tháng 4, các nước này cũng thúc giục Brussels mua lại những mặt hàng tồn dư của Ukraine vì lý do nhân đạo.