Đây là tuyên bố của đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner mới đưa ra. “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn và chúng tôi sẽ tìm kiếm những mối quan hệ với người sẽ trở thành Tổng thống kế tiếp của Hàn Quốc”, ông Toner tuyên bố.
Truyền hình trực tiếp phiên ra phán quyết của Tòa án Hiến pháp. |
Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết, Washington không đưa ra quan điểm xung quanh phán quyết phế truất Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, song vẫn quyết đinh tôn trọng quyết định của Tòa Hiến pháp. “Đây là vấn đề của người dân và các tổ chức dân chủ của Hàn Quốc, giúp họ có thể xác định tương lai quốc gia và chúng tôi tôn trọng quyết định của họ”, ông Toner nói.
“Mỹ sẽ tiếp tục là đồng minh kiên định thân hữu và đối tác với Hàn Quốc. Liên minh Mỹ - Hàn Quốc sẽ tiếp tục bảo đảm sự ổn định và an ninh trong khu vực. Chúng tôi sẽ tiếp tục đáp ứng cam kết với các liên minh, đặc biệt trong việc đưa ra các biện pháp phòng vệ nhằm chống lại nguy cơ từ hạt nhân của CHDCND Triều Tiên”, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố.
Như vậy, sau 92 ngày luận tội kể từ 9/12/2016, hôm nay (10/3), Quyền Chánh án Tòa án Hiến pháp Lee Jung-mi đọc phán quyết tuyên bố giữ nguyên tội trạng của Tổng thống Park Geun-hye. Theo giới truyền thông địa phương, các cuộc thăm dò dư luận trước đó cũng cho thấy có tới 70% người dân ủng hộ việc cách chức Tổng thống Park Geun-hye.
Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Hàn Quốc phải rời khỏi nhiệm sở trước khi kết thúc nhiệm kỳ kể từ khi nước này thiết lập nền dân chủ từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Phán quyết này đồng nghĩa với việc bà Park chính thức bị cách chức vĩnh viễn và Hàn Quốc sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử Tổng thống để chọn người kế nhiệm bà trong vòng 60 ngày.
Bà Park Geun-hye bị cáo buộc đã để cho người bạn thân là bà Choi Soon-sil can thiệp vào công việc của nhà nước dù không có chức danh chính thức nào trong chính phủ và cấu kết với người này để trục lợi hàng triệu USD từ nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc, trong đó có Samsung.