Đa dạng loại hình HTX
Để phát huy vai trò của kinh tế tập thể, Ba Vì đã xây dựng kế hoạch củng cố, đổi mới và nâng cao hiệu quả của các HTX. Kế hoạch này được phân định rõ ràng theo từng giai đoạn và được triển khai đến các xã, thị trấn, các HTX trên địa bàn thực hiện. Song song với đó là nhiều giải pháp trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân thông qua các HTX. Đó là việc triển khai các Chương trình hỗ trợ sản xuất, khuyến khích hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Tổ chức các buổi tọa đàm trao đổi về tổ chức lại HTX theo Luật HTX năm 2012. Hiện nay, toàn huyện Ba Vì có 112 HTX với 36.167 thành viên. Trong số này có các loại hình HTX nông nghiệp, HTX kinh doanh và dịch vụ, HTX công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, HTX dịch vụ thuốc Nam và HTX thủy sản. Theo thống kê, tổng tài sản của các HTX trên địa bàn huyện đến năm 2016 đạt 214,3 tỷ đồng.
Dưa chuột trồng theo mô hình nông sản sạch của xã viên HTX nông nghiệp Đan Thê, xã Sơn Đà. Ảnh: Hồng Lịch |
Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Ngô Vi Khả cho biết, việc củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX ở Ba Vì được tập trung vào các nội dung về quy mô, tổ chức bộ máy quản lý, tình hình hoạt động sản xuất và trình độ năng lực quản lý điều hành. Dựa vào
các văn bản chỉ đạo việc tổ chức lại HTX theo Luật năm 2012 cho thấy cần hoạt động thực chất hơn, bộ máy quản lý và điều hành gọn nhẹ hơn. Đặc biệt, về nhân sự, số lượng cán bộ quản lý trẻ qua đào tạo tăng lên, số lượng thành viên giảm, tư cách thành viên được xác nhận qua việc góp vốn… Hiện nay, kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Ba Vì, nòng cốt là các HTX, không ngừng tăng cả về số lượng và chất lượng. Điều đó góp phần tích cực vào phát triển sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh gắn với tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, nâng cao đời sống Nhân dân. Người dân, các thành viên HTX đã nhận thức được vai trò của kinh tế tập thể trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trong điều kiện hội nhập Quốc tế. Tổng doanh thu của các HTX trên địa bàn huyện năm 2016 ước đạt xấp xỉ 88 tỷ đồng, bình quân đạt xấp xỉ 800 triệu đồng/01 HTX.
Những mục tiêu cơ bản của Nghị quyết số 05, ngày 16/10/2010 của Huyện ủy Ba Vì là nâng cao trình độ, năng lực quản lý đội ngũ cán bộ HTX; Củng cố, đổi mới, nâng cao vai trò, hiệu quả các HTX; Tăng cường khả năng đóng góp của kinh tế tập thể vào tăng trưởng kinh tế của huyện, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân; Phấn đấu có từ 65 – 70% HTX đạt loại khá trở lên và không còn HTX hoạt động yếu kém. |
Áp dụng khoa học nâng cao hiệu quả
Trong xây dựng nông thôn mới, các HTX đã tích cực tham gia, vận động Nhân dân thực hiện dồn điền đổi thửa. Tổ chức áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất và chăn nuôi. Tổng diện tích gieo trồng của huyện mỗi năm là 22.000 ha. Tỷ lệ làm đất bằng cơ giới đã nâng lên 78 lần so với 5 năm trước. Điển hình, HTX nông nghiệp xã Phú Phương đã thực hiện thành công chương trình cơ giới hóa đồng bộ ở tất cả các khâu. Trong đó, thu hoạch bằng máy đạt trên 50%, chế biến nông sản đạt 35%. HTX dịch vụ nông nghiệp thôn Kiều Mộc xã Cổ Đô, sau chuyển đổi theo luật vẫn duy trì tốt các khâu dịch vụ đảm bảo có lãi và nâng cao hiệu quả kinh tế cho xã viên. Ông Vũ Quang Phúc – Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Kiều Mộc cho biết, HTX Kiều Mộc được thành lập gần 20 năm nay. Năm 2016, HTX thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, kiện toàn Hội đồng quản trị. Cổ Đô là địa phương đi đầu trong thực hiện thành công dồn điền đổi thửa. Thành công này đã tạo thuận lợi cho HTX tiến hành quy hoạch lại đồng ruộng, triển khai các mô hình sản xuất, chăn nuôi theo hướng tập trung. HTX tiếp tục ký hợp đồng đảm nhiệm 4 khâu dịch vụ với xã viên gồm bảo vệ đồng ruộng, thủy nông, bảo vệ thực vật, cung ứng vật tư nông nghiệp và một số dịch vụ khác theo mùa vụ. Cách làm này giúp nông dân hoàn toàn yên tâm trong khâu giống vốn, vật tư nông nghiệp, cũng như việc chăm sóc, tưới tiêu, bảo vệ sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời cũng mang lại lợi nhuận để duy trì hoạt động của HTX. Trong lĩnh vực chăn nuôi, đã có 70% số chuồng nuôi gia súc trên địa bàn huyện có hệ thống làm mát, có thiết bị xử lý môi trường… Phần lớn các hộ chăn nuôi thủy sản đều sử dụng máy sục khí, máy chế biến thức ăn và hệ thống xử lý nước, tạo môi trường nước đảm bảo vệ sinh. Nhờ đó, thủy sản phát triển mạnh, nâng cao tỷ trọng và giá trị thu nhập cho người nông dân.