Bắc Giang: tập trung mọi nguồn lực chống dịch tả lợn châu Phi

Thúy Hồng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Bộ NN&PTNT yêu cầu tỉnh Bắc Giang tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo để bảo đảm các nguồn lực phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến vừa ký văn bản đề nghị lãnh đạo tỉnh Bắc Giang tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2024 cho đến nay, cả nước đã xảy ra 632 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 44 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 40.500 con lợn, tăng 3,25 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Bệnh đang diễn biến rất phức tạp tại các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng... Dịch bệnh cũng đã xảy ra tại 8 xã thuộc 3 huyện của tỉnh Bắc Giang.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 58 ngày 6/7, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Đoàn công tác đến tỉnh Bắc Giang kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh.

Mặc dù Bắc Giang đã chủ động, bước đầu kiểm soát tốt bệnh dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh dịch tiếp tục xảy ra, lây lan diện rộng và xâm nhiễm từ các tỉnh khác vào địa bàn rất cao.

Bộ NN&PTNT yêu cầu tỉnh Bắc Giang tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo để bảo đảm các nguồn lực phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Bộ NN&PTNT yêu cầu tỉnh Bắc Giang tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo để bảo đảm các nguồn lực phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Do đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ưu tiên tập trung mọi nguồn lực và trực tiếp chỉ đạo các sở, ban ngành, chính quyền các cấp của địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh động vật theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo để bảo đảm các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật. Hướng dẫn người chăn nuôi hàng ngày áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất tại khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh.

Rà soát, nâng cấp cơ sở hạ tầng, bảo đảm cơ sở chăn nuôi áp dụng thuận lợi các biện pháp vệ sinh, sát trùng, tiêu độc và chăn nuôi an toàn sinh học. Tổ chức thống kê chính xác tổng đàn lợn, đồng thời rà soát, thống kê chính xác số lượng đàn lợn thịt đã được tiêm vaccine phòng bệnh.

Trên cơ sở đó, khẩn trương phê duyệt kế hoạch, ưu tiên bố trí mua vắc-xin tập trung cấp tỉnh để cấp phát cho các huyện, xã và tổ chức tiêm phòng đồng bộ, cùng thời điểm cho toàn bộ lợn thịt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng đã nêu rất rõ tại các công điện về việc sử dụng vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn thịt và nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc của Bộ NN&PTNT.

Khi có dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra, cần thực hiện việc công bố dịch cấp huyện, cấp tỉnh và tổ chức chống dịch theo đúng quy định, bảo đảm xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới, không để dịch bệnh dai dẳng kéo dài.

Yêu cầu và có biện pháp bảo đảm chủ hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy do dịch bệnh thực hiện đầy đủ việc sát trùng, vệ sinh, tiêu độc, không để phát tán làm lây lan dịch bệnh.

Đồng thời, tổ chức giám sát chủ động phát hiện dịch bệnh trên đàn vật nuôi để kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện ở phạm vi nhỏ lẻ, xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật nghi mắc bệnh, vứt xác động vật ra môi trường dẫn đến lây lan dịch bệnh.

Báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác số liệu tình hình dịch bệnh, kết quả giám sát dịch bệnh, tiêm phòng, quản lý cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh và thực hiện nghiêm công tác báo cáo trên Hệ thống quản lý thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam - VAHIS.

Tổ chức xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, bao gồm cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh để phục vụ xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.

Tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền đối với chủ vật nuôi và cộng đồng về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi.

Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu tiêm vaccine và lợi ích của việc tiêm vaccine, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chủ động xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.

Thành lập các đoàn công tác đến các địa phương trọng điểm về chăn nuôi, dịch bệnh để tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt kiểm tra, chấn chỉnh công tác tiêm phòng vaccine, chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.