Muốn mua bảo hiểm xã hội nhưng "lực bất tòng tâm"
Vì tương lai của các con, nhiều người di cư, trong đó có vợ chồng chị Hiền dự tính vẫn tiếp tục bám trụ lại thành phố để mưu sinh và các con được tới trường. Trời thương cho chị Hiền có sức khỏe, không mắc bệnh tật nhưng do nhiều hôm làm việc cả ngày lẫn đêm nên người phụ nữ ở tuổi 45 này đã lo lắng cho tuổi già không có lương hưu, nếu bệnh tật thì không biết lấy đâu ra tiền để đi bệnh viện.
“Tôi rất muốn mua bảo hiểm xã hội tự nguyện sau này có cơ hội lĩnh lương hưu, nhưng hiện nay hai vợ chồng đi làm cả ngày lẫn đêm không đủ ăn thì lấy đâu ra tiền để hàng tháng mua bảo hiểm. Trong khi giá thu mua giấy vụn xuống thấp quá, đã vậy không phải ngày nào cũng có thể mua được phế liệu" - chị Hiền than thở.
Nỗi lo chưa hết, khi mới đây, chủ nhà trọ đã thông báo cho gia đình chị Hiền từ giờ đến Tết sẽ lấy lại phòng trọ cho người khác thuê. Vậy là giờ đây, vừa phải lo đi làm kiếm tiền, vợ chồng chị Hiền còn đôn đáo tìm nhà trọ gần trường học của các con với giá thuê rẻ.
Sau một ngày bươn chải từ tờ mờ sáng đến xẩm tối chị Nguyễn Thị Tươi (quê ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội) với chiếc xe máy cũ kỹ chở nguyên "đồ nghề" kiếm sống quay về khu phòng trọ ngay cạnh gia đình chị Hiền để chuẩn bị bữa tối. Gắn bó với mảnh đất bãi ven sông Hồng gần 20 năm, đến nay người phụ nữ 52 tuổi này đã trải qua đủ các công việc khác nhau để gồng gánh nuôi con.
"Hồi mới lên Hà Nội chưa quen đường thì tôi gồng gánh thuê cho người ta. Sau quen dần thì công việc của tôi cũng được "nâng cấp" lên. Tôi đi buôn rau, hoa quả, mua hải sản từ chợ đầu mối rồi mang đi giao cho các chợ khắp Hà Nội. Nhờ vậy, tôi nuôi được 3 con gái học đại học, có 2 cháu đã lập gia đình và cuộc sống ổn định" - chị Tươi vui vẻ khoe.
Trong căn phòng nhỏ chỉ đủ kê "giường" ngủ (được ghép từ tấm ván kê lên khung sắt) và cái bếp ga mini, chị Tươi phải tận dụng mọi không gian để treo đồ đạc từ quần áo đến chăn gối; nồi niêu được nhét dưới gầm "giường". Điều kiện sinh hoạt chật chội, nóng bức, thiếu thốn như vậy nhưng người phụ nữ này vẫn quyết một mình bám trụ nơi thành phố bởi vẫn còn trách nhiệm nuôi 2 con ăn học.
"Con trai út đang học lớp 8, chồng tôi mắc bệnh mãn tính nên ở quê chăm con. Mọi công việc suốt bao năm nay đều một mình tôi quán xuyến, lo toan. Mặc dù cũng ý thức được ý nghĩa của việc tham gia bao hiểm xã hội để có lương hưu, bảo hiểm y tế nhưng được đồng nào phải thu vén nuôi con ăn học, lo việc nhà nên tôi "lực bất tòng tâm" - chị Tươi giãi bày.
Ở dãy trọ cấp 4 lợp tôn cũ kỹ, lụp xụp tại Tổ dân phố số 1, mẹ con bà Lê Thị Hợp (sinh năm 1961, quê ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội) sinh hoạt trong một gian được quây bằng ván ép, rộng chừng 6 - 7 mét vuông chỉ đủ kê một cái giường và vài ba thứ đồ dùng nấu ăn, mấy bộ quần áo cũ. Nơi mẹ con bà Hợp ở có không gian sống rất "mở", từ phòng này có thể với tay sang phòng bên cạnh nhưng không khí đặc quánh bởi sự oi bức và đồ đạc bừa bộn xung quanh 4 bức vách. Nhiều hôm nóng quá không ngủ được, bà Hợp phải ra bờ sông hóng gió...
Hoàn cảnh éo le khi chồng mất sớm, bà Hợp phải đơn thân nuôi con với nhiều vất vả. Lúc con trai ra thành phố đánh giày thuê thì bà cũng đi cùng để tiện cơm nước chăm lo. Hồi đầu bà ra chợ Long Biên gánh hàng thuê, bây giờ sức yếu thì đi kéo hàng thuê bằng cái xe kéo, có hôm chỉ được vài nghìn đồng vì không có mối quen, sức khỏe yếu. Ban ngày bà lang thang đi nhặt đồng nát để gom vào bán có thêm thu nhập.
Mặc dù làm đủ thứ việc nhưng cái nghèo vẫn đeo bám lấy bà. “Cái nhà ở quê xuống cấp quá. Tôi đã làm lại nền nhà nhưng chưa có tiền sửa mái. Giờ tôi muốn vay tiền để sửa nhà nhưng chẳng biết vay ai. Tiền đi làm bao năm thì không có…” – bà Hợp rơm rớm nước mắt chia sẻ.
Câu lạc bộ - Nơi hỗ trợ lao động nữ nhập cư
Để hỗ trợ những nữ lao động di cư, hiện nay nhiều địa phương ở Hà Nội đã thành lập những chi hội phụ nữ, câu lạc bộ phụ nữ di cư. Hội LHPN phường Phúc Xá, quận Ba Đình đã ra mắt mô hình Câu lạc bộ (CLB) Nữ lao động nhập cư; Hội LHPN phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm có mô hình Chi hội nữ lao động di cư. Các quận, huyện khác cũng đã thành lập các mô hình phụ nữ nhập cư để tuyên truyền, vận động chị em thực hiện tốt những quy định của địa phương – nơi ở trọ như: CLB Nữ lao động nhập cư phường Định Công, quận Hoàng Mai; CLB Nhà trọ an toàn, thân thiện tại 3 xã Kim Chung, Kim Nỗ, Hải bối thuộc huyện Đông Anh…
Hiện nay, CLB Nữ lao động nhập cư phường Phúc Xá có hơn 30 thành viên là những người lao động giúp việc gia đình, bán hàng rong, thu mua phế liệu, chở hàng thuê cho người kinh doanh ở chợ Long Biên... Bà Nguyễn Thị Tuyết - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ phường Phúc Xá, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ số 1, Tổ trưởng tổ dân phố số 1, cho biết: Tổ dân phố số 1 đứng thứ hai trong phường Phúc Xá về số người lao động ở các tỉnh đến thuê trọ. Hiện nay trên địa bàn tổ 1 có khoảng 200 người từ ở các tỉnh gần Hà Nội đến nhập cư, nhiều nhất là Nam Định.
Những người lao động nhập cư thường đi đi kéo hàng thuê ở chợ Long Biên, đánh giày, bán hàng rong, xe ôm, lái taxi. Họ chủ yếu thuê nhà ở khu vực đường dân sinh (trước đây là bờ vở sông Hồng). Một phòng trọ cho 2 - 3 người ở có giá thuê 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng. Gọi là phòng trọ nhưng chỉ là nhà tạm cấp bốn, quây tôn, lợp tôn, có phòng 1 triệu đồng, có phòng 600.000 đồng, 800.000 đồng, tùy theo diện tích.
Những người lao động di cư, trong đó có phụ nữ lao động nhập cư nơi thành phố thường gặp những khó khăn như: Họ đi bán hàng rong ngoài đường phố nên nay bị đuổi, mai bị đuổi; thu nhập hôm được, hôm không. Với những người kéo hàng thuê ở chợ Long Biên thì có thời điểm nhiều việc nhưng có lúc lại rất ít nên phải về quê vài tháng rồi lại lên thành phố. Những người mua đồng nát thì khó khăn hơn khi hiện nay các nhà dân thường mang rác đến ủng hộ Hội Phụ nữ bán lấy tiền phục vụ cho hoạt động của chi hội.
Bà Nguyễn Thị Tuyết cho biết đa số những nữ lao động nhập cư xác định ở lâu dài đều tham gia vào CLB Nữ lao động nhập cư. Các buổi sinh hoạt của CLB, chúng tôi tuyên truyền về những chủ trương, chính sách pháp luật. Đồng thời hướng dẫn họ thực hiện thủ tục khai báo tạm trú, chuyển bảo hiểm y tế từ quê lên thành phố; giúp cho con của họ được đi học ở trường đúng tuyến với nơi ở trọ. Trường hợp gia đình nào có con cái gặp khó khăn trong học hành thì tiếp tục giúp đỡ.
Về phía Ủy ban phường thường xuyên tổ chức đi kiểm tra, nhà nào không đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an toàn mùa mưa bão thì yêu cầu dừng cho thuê trọ. Nhà đủ điều kiện là nhà không xập xệ quá, đường điện đảm bảo an toàn, có trang bị bình chữa cháy. Các thành viên trong Chi hội phụ nữ nhắc những nữ lao động nhập cư người thuê nhà không trải chăn bông lên trần nhà, không treo chai lọ trong nhà…