Trưởng Đại diện Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam Hoàng Phương Thảo:
ActionAid sẽ tạo cơ hội để người khuyết tật tự nắm bắt
Hiện nay các chính sách dành cho NKT đang rất nhiều, vừa thiếu vừa thừa. Do vậy, tôi nghĩ, Nhà nước cần tổng hợp lại để có một cơ chế, chính sách cho NKT được tốt hơn. Một số chính sách cần được cập nhật trong thời đại mới, ví dụ như chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, thuế…
Về phía ActionAid, chúng tôi sẽ đi nhiều vào việc nâng cao năng lực, tạo cơ hội để NKT tự nắm bắt và tự xác định cơ hội ấy với mình và cộng đồng của mình. Chúng tôi vẫn cố gắng theo đuổi cam kết lâu dài là tạo việc làm cho NKT. Bởi vì chỉ có việc làm thì mới tạo ra thay đổi một cách bền vững và NKT có vị thế trong xã hội thay vì người ta cảm thấy bị thương hại hoặc bất lực. Việc làm sẽ đảm bảo cho chuyện phát triển bền vững. Trong thời gian tới, chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện chương trình việc làm thỏa đáng cho các nhóm yếu thế nhưng sẽ nhấn mạnh hơn câu chuyện kỹ thuật số, kinh tế số và hỗ trợ cho phụ nữ.
Và, trong thời đại kinh tế số, chúng tôi kỳ vọng sẽ có những sáng kiến mới liên quan đến việc giới thiệu các kỹ thuật số, công cụ số để NKT có thể tiếp cận nhanh hơn với thị trường lao động.
Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTB&XH Hà Nội Phạm Thị Thu Hằng:
Xây dựng chính sách hỗ trợ dạy nghề nâng cao
Hà Nội có 109.275 NKT, chiếm 1,3% dân số TP. Trong đó, NKT còn khả năng lao động là 19.723 người, trong đó 9.668 người đã có việc làm và 10.055 người chưa tìm được việc làm.
Hoạt động dạy nghề cho NKT được TP Hà Nội triển khai từ năm 2006. Riêng từ năm 2015 đến 2019, toàn Thủ đô đã có trên 1.500 NKT được dạy nghề, tạo việc làm với kinh phí thực hiện gần 10 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP.
Ngoài nguồn ngân sách TP, Hội NKT Hà Nội, Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi, Hội Người mù, Thành đoàn Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã vận động các nhà tài trợ trong nước và quốc tế dạy nghề cho gần 900 NKT. Những NKT chủ yếu học các nghề: Tin học văn phòng, nấu ăn, sửa chữa điện lạnh, thủ công mỹ nghệ, vẽ móng tay, cắm hoa nghệ thuật, xoa bóp tẩm quất… Các lớp học nghề 4 – 6 tháng được tổ chức tại địa phương để NKT dễ tiếp cận; sau khóa học 100% học viên được cấp chứng chỉ học nghề, nhiều NKT tìm được việc làm có thu nhập ổn định cuộc sống.
Sở LĐTB&XH Hà Nội đề xuất giải pháp xây dựng chính sách hỗ trợ dạy nghề nâng cao cho NKT. Đồng thời xây dựng chính sách để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm do NKT làm ra và có chính sách trợ giá, tuyên truyền khơi dạy tinh thần tương trợ nhân ái trong xã hội. Sở LĐTB&XH Hà Nội đề xuất xây dựng cơ chế thanh toán hỗ trợ kinh phí dạy nghề, tạo việc làm linh hoạt cho các cơ sở tham gia dạy nghề khi tiếp nhận NKT vào học theo định mức người/nghề học, không cần chờ đủ số lượng mới mở lớp.
Phó Chủ tịch Hội NKT Hà Nội Trịnh Xuân Dũng:
Phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để tạo việc làm
Có việc làm, NKT không chỉ có cơ hội tiếp xúc với xã hội mà còn tạo dựng cuộc sống tự lập. Những năm qua, Hội NKT Hà Nội luôn quan tâm hỗ trợ giải quyết việc làm cho NKT. Hội đã kết nối với các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu mong muốn tuyển lao động là NKT; triển khai mô hình liên kết với DN để tạo việc làm cho NKT.
Hội NKT Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty CP IntelLife thực hiện dự án “Chung tay vì cộng đồng” và triển khai thực hiện dự án của Tổ chức phục hồi chức năm quốc tế (RI) “Hợp tác công trong việc đào tạo và giáo dục nghề nghiệp cho thanh thiếu niên khuyết tật tại Hà Nội, Việt Nam” nhằm có việc làm bền vững cho NKT trên địa bàn TP Hà Nội và cộng đồng NKT nói chung.
Bên cạnh đó, Hội NKT Hà Nội thành lập và thúc đẩy hoạt động của mạng lưới tuyển dụng lao động khuyết tật Hà Nội với 30 thành viên là các DN, hợp tác xã, trung tâm. Đồng thời, Hội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức phiên giao dịch việc làm lồng ghép, hội chợ việc làm thu hút sự tham gia của nhiều NKT đến ứng tuyển, được tư vấn và giới thiệu học nghề. Hiện nay, Hội đang tiếp tục làm việc với một số DN để tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng và đào tạo nghề cho NKT và tìm kiếm các cơ hội để hợp tác trong lĩnh vực này.
Giám đốc Trung tâm dạy nghề - Hội Người mù Hà Nội Trần Trung Hiếu:
Đề nghị Thành phố dành ngân sách đào tạo nghề lớn hơn
Những năm qua, Nhà nước và TP Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách nhằm trợ giúp và tạo thuận lợi cho NKT trong lĩnh vực đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Nhờ đó, nhiều NKT đã có cơ hội việc làm, tăng cường năng lực nghề nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống bản thân.
Tuy nhiên, vì số đông NKT còn thiếu cơ hội tham gia học văn hóa cũng như học nghề nên đời sống còn vô vàn những khó khăn kéo dài. Mặt khác, các đơn vị đào tạo nghề đều thiếu nguồn đầu tư cơ bản và chuyên ngành cũng như thiếu kinh phí đầu tư đào tạo nghề cho NKT.
Để tăng cường cải thiện cơ hội học nghề và việc làm cho NKT, chúng tôi đề nghị TP nhanh chóng ban hành các chính sách quy định định mức kinh tế kỹ thuật kèm theo danh mục các nghề được đào tạo cho NKT. Hàng năm TP dành một lượng ngân sách lớn hơn hiện nay cho hoạt động đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cho NKT có có nhiều hơn số người được thụ hưởng chính sách này. Và công khai quy trình giám sát thực thi các hoạt động đầu tư đào tạo dạy nghề giải quyết việc làm cho NKT của TP được công khai, minh bạch.
Trưởng Ban Thanh niên Hội Người khuyết tật Hoàn Kiếm Nguyễn Hương Giang:
Mong muốn Hội tổ chức công việc cho người khuyết tật
Trước đây em là vận động viên Para Games và vào năm 2015 thì dời Câu lạc bộ Khúc Hạo trở về nhà lập gia đình và rất khó kiếm được công việc ổn định.
Thế rồi, cô Phạm Thị Hiền là Chủ tịch Hội NKT quận Hoàn Kiếm có nghề may đã thuê mặt bằng ở phố Cầu Đất và mở xưởng. Cô Hiền nhận em và một số bạn hội viên khác để đào tạo nghề và bố trí việc làm. Tuy nhiên, do tiền thuê mặt bằng quá cao, cộng với ảnh hưởng dịch bệnh nên xưởng đã dừng hoạt động. Giờ đây, khi nào có đơn hàng, cô Hiền lại mang tới nhà cho em, tiền công mỗi buổi được khoảng 100.000 đồng; nhưng công việc không đều, mỗi tháng chỉ khoảng 10 ngày. Để có tiền nuôi con nhỏ, hiện nay em làm cộng tác viên bán vé máy bay và bán mỹ phẩm; tổng thu nhập mỗi tháng khoảng 4 triệu đồng.
Em nhận thấy, đa số những NKT rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm, lý do bởi sức khỏe yếu, trình độ văn hóa hạn chế. Có bạn khi đi làm ở công ty, cơ sở sản xuất thì khó tiếp cận lối đi, nhà vệ sinh và khó hòa nhập với người lao động khác, đành phải bỏ việc. Những NKT ở trên phố rất khó làm kinh doanh vì tiền thuê cửa hàng quá cao; nếu dùng tiền vốn vay ngân hàng thì không còn nguồn mua sản phẩm. Chính vì vậy, chúng em rất mong muốn Hội NKT quận tập huấn nâng cao năng lực và tổ chức đào tạo nghề; vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh để những NKT có chỗ làm ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.