Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 - giá trị xứng tầm thời đại

Bài 4: Định hướng cho sự phát triển bền vững, phồn vinh của đất nước

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bàn về việc kế thừa bản Đề cương về văn hóa Việt Nam, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu thẳng thắn nêu quan điểm, hiện nay việc đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải.

Tuy nhiên, nếu chỉ coi văn hóa là công cụ kiếm tiền sẽ làm tha hóa văn hóa, muốn làm giàu bằng văn hóa cần xem lại cách đầu tư.

Vẫn còn tư duy lệch lạc về đầu tư cho văn hóa

Hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nền văn hóa Việt Nam đã có những bước phát triển, đổi thay mạnh mẽ, trở nên ngày càng phong phú và đặc sắc, thống nhất trong đa dạng.

Một chương trình văn hóa - nghệ thuật diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Một chương trình văn hóa - nghệ thuật diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế rằng, trong một thời gian dài, nhiều nơi, nhất là trong xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa vẫn chưa được đặt đúng vị trí, chưa phát huy được vai trò tham gia thúc đẩy các lĩnh vực khác của đời sống xã hội và theo đó, nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa còn rất khiêm tốn, chưa thật sự xứng tầm.

Thậm chí, còn có tư duy lệch lạc cho rằng, phát triển văn hóa cần nguồn lực đầu tư lớn, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế rất ít, mà chưa thấy rõ đây là đầu tư cho phát triển bền vững, dài hạn và tạo ra sức sống mới cho kinh tế - xã hội, sự trường tồn và phồn vinh của đất nước.

Tại Hội thảo văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” diễn ra tháng 12/2022, Bộ KH&ĐT cho biết, nhiều địa phương đầu tư cho văn hóa còn thấp, dưới 1,6% tổng đầu tư từ ngân sách.

Điều mà nhiều người làm văn hóa mong mỏi là tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm như “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” đã đề ra. Hiện nay, mức chi ngân sách cho toàn ngành văn hóa ở các địa phương mới chỉ đạt 1,72%, trong khi mục tiêu đặt ra là đảm bảo mức chi đầu tư cho văn hóa ít nhất 1,8% tổng chi ngân sách (bao gồm cả T.Ư và địa phương).

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng: Sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế thị trường đã mang lại nhận thức mới về vai trò, giá trị nội sinh của văn hóa, đây không phải là lĩnh vực thuần túy tinh thần, phi sản xuất, phi lợi nhuận; không phải là lĩnh vực “chỉ biết tiêu tiền” mà là lĩnh vực trực tiếp mang lại các lợi ích kinh tế, nhiều giá trị gia tăng nhờ đa dạng hóa các sản phẩm văn hóa gắn với sản xuất và du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Lĩnh vực văn hóa không chỉ là... tiêu tiền

Tại các nước phát triển, thường có một nền công nghiệp văn hóa, giải trí phát triển cao, với doanh thu rất lớn, đóng góp của văn hóa cho nền kinh tế không hề nhỏ.

Theo báo cáo của UNESCO vào tháng 2/2022, trước đại dịch Covid-19 các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo là một trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và được dự báo có đóng góp đáng kể cho GDP toàn cầu lên tới 10% vào năm 2030.

Bên cạnh việc tạo sinh kế, thu nhập, việc làm, doanh thu, xuất khẩu... vai trò của văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo góp phần nâng cao đời sống tinh thần, sự gắn kết của các cộng đồng trong xã hội.

Việc đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo tạo ra nguồn thu lớn cho một số nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc.

Trong tham luận gửi Hội thảo Văn hóa 2022, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ VHTT&DL) Nguyễn Phương Hòa cho biết các ngành kinh tế sáng tạo đóng góp hơn 115 tỷ bảng Anh, chiếm 5,9% nền kinh tế Anh và nhiều hơn tổng giá trị ngành công nghiệp vũ trụ, tự động hóa, khoa học cuộc sống, dầu mỏ và khí đốt cộng lại.

Theo thống kê của Cơ quan Phân tích Kinh tế Mỹ năm 2020, hoạt động kinh tế văn hóa và nghệ thuật chiếm tỷ trọng 4,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ, tương đương 876,7 tỷ USD, tạo ra 4,5 triệu việc làm.

Sự đóng góp vào GDP của văn hóa và nghệ thuật lớn hơn 5 lần so với nông nghiệp của nước Mỹ. Các lĩnh vực xuất khẩu chính bao gồm điện ảnh, chương trình truyền hình, quảng cáo, phần mềm nghệ thuật và trò chơi điện tử.

Trong giai đoạn 2014 - 2016, tỷ lệ tăng trưởng hằng năm của văn hóa và nghệ thuật là 4,16%, gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế Mỹ là 2,22%.

Tham luận của bà Nguyễn Phương Hòa cũng đề cập sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Trung Quốc. Cụ thể năm 2018, tổng giá trị công nghiệp văn hóa Trung Quốc đạt 4.117,1 tỷ nhân dân tệ (khoảng 600 tỷ USD).

Tại Việt Nam, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa dần được quan tâm và chú trọng phát triển.

Năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP, sau ba năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp doanh thu tương đương với 3,61% với tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Đó là chỉ lấy ví dụ về một mảng của ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo. Còn nhiều lĩnh vực khác như bảo tàng, di sản văn hóa..., tất cả đều có thể làm ra tiền. Có thể nói, đầu tư cho văn hóa cũng là bắt "con gà đẻ trứng vàng".

Làm ra tiền của ngành công nghiệp văn hóa không chỉ là đóng góp cho ngân sách mà quan trọng nhất là lan tỏa văn hóa Việt, giá trị Việt ra toàn cầu, có thêm nguồn lực để đầu tư cho ngành văn hóa giải trí.

Nói cách khác, theo Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng: Phát triển công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hóa là phương thức để chuyển hóa nguồn tài nguyên "mềm" văn hóa, vốn văn hóa thành các sản phẩm và dịch vụ văn hóa trên thị trường, tạo ra các nguồn lực kinh tế để tái đầu tư; làm cho văn hóa thẩm thấu sâu hơn, thực sự trở thành một trụ cột năng động trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường.

Đầu tư cho sự phát triển

Mang bản chất là những ngành sáng tạo, các ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng phát triển rất lớn và đang trở thành tâm điểm của nền kinh tế mới. Nhận thức rõ điều này, Đảng, Nhà nước đã đạt được sự thống nhất rằng, đầu tư vào lĩnh vực văn hóa cũng chính là đầu tư phát triển. Do vậy cần có các cơ chế, chính sách đồng bộ để phát triển lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Theo các chuyên gia, các chính sách này, cần tập trung ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số cùng với hạ tầng văn hóa - xã hội; phát triển các không gian văn hóa, thiết chế văn hóa, hạ tầng cho phát triển các sản phẩm văn hóa… để đồng thời với phát triển văn hóa, sẽ góp phần quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia, các di sản văn hóa và khai phá tiềm năng du lịch văn hóa của các địa phương.

Cần xây dựng chiến lược, kế hoạch ưu tiên phát triển, tập trung nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm vào một số lĩnh vực, ngành chủ chốt, có tiềm năng, thế mạnh trên phạm vi quốc gia cũng như ở từng địa phương.

Cùng với các ưu tiên trong chính sách cần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, nhỏ giọt, đầu tư cho có trong phát triển văn hóa.

Phải có đột phá thật sự, ban hành các cơ chế, chính sách thật cụ thể nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong thu hút các nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người hiện nay, nhất là về phân cấp, phân quyền trong phân bổ các nguồn lực phát triển văn hóa; cơ chế hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa; cơ chế thu hút, khuyến khích các DN tham gia phát triển văn hóa, quy hoạch phát triển của các địa phương giàu tiềm năng văn hóa để lĩnh vực văn hóa, con người có được những bước đột phá phát triển thật sự.

Do vậy, cần phải dựa cả vào nguồn lực của Nhà nước và nguồn lực của xã hội. Trong đó, nguồn lực đầu tư từ Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, nguồn lực từ thị trường là quan trọng để thúc đẩy văn hóa phát triển.
(Còn nữa)

 

Từ chỗ nhận thức văn hóa là lĩnh vực thuần túy tinh thần, phi lợi nhuận, đến nay văn hóa được xem là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, nguồn lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển đất nước. Văn hóa có thể góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP, thẩm thấu, điều chỉnh các hoạt động kinh tế, chính trị, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tham gia vào công tác đối ngoại và đảm bảo an ninh quốc phòng. Nghĩa là văn hóa có khả năng thẩm thấu và điều tiết mọi hoạt động sống của con người theo hướng chân, thiện, mỹ. Và bao trùm hơn cả, như phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc", "văn hóa còn thì dân tộc còn".
PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu - Viện trưởng Viện Văn hóa
và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh