Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Hình mẫu ưu việt cho các dự án hạ tầng

Bài 4: Xây dựng kịch bản cho tương lai

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có thể khẳng định, với những nỗ lực vượt bậc, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ sớm cán đích, đáp ứng nhu cầu phát triển cấp bách của Vùng Thủ đô.

Ngay từ lúc này, Chính phủ và các địa phương cần xây dựng kịch bản phát triển ưu việt cho tương lai với đòn bẩy là tuyến đường huyết mạch Vành đai 4.

Tập trung cho dự án

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Đoàn TP Hà Nội nhận định, việc triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp và gián tiếp vô cùng to lớn. Giá trị mà dự án đường Vành đai 4 mang lại rất lớn trong kết nối, mở rộng không gian phát triển, giảm tải giao thông... Do đó, việc đầu tư để sớm hoàn thành dự án này là hết sức cần thiết, cấp bách.

Đường Vành đai 4 sẽ là động lực phát triển kinh tế - xã hội cho Hà Nội và các tỉnh lân cận. Ảnh: Chiến Công
Đường Vành đai 4 sẽ là động lực phát triển kinh tế - xã hội cho Hà Nội và các tỉnh lân cận. Ảnh: Chiến Công

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án phải thực hiện nhanh để sớm mang lại các lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội, cho đất nước. Đây là dự án lớn, nếu để dự án chậm trễ thì phải đối mặt với câu chuyện đội vốn cũng như nhiều hệ luỵ khác. Bên cạnh đó, cần xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật thật tốt để có thể đảm bảo con đường sử dụng được lâu dài.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, ông đánh giá cao những nỗ lực của TP Hà Nội trong việc triển khai dự án; đặc biệt là đồng chí Bí thư Thành ủy hết sức quan tâm đến dự án. Điều này thể hiện rõ nhất là trong các cuộc họp của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; các cuộc họp của HĐND, UBND TP Hà Nội.

 

Cần xác định Vành đai 4 là đường cao tốc đô thị với chức năng của đường cao tốc đi trong đô thị tạo động lực phát triển đô thị. Do đó, phải tính đến việc đầu tư đồng bộ các nút giao để phân luồng từ xa cũng như nâng cao hiệu quả, năng lực sử dụng.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ

“Trong các văn bản chúng tôi nhận được của lãnh đạo TP Hà Nội đều có đề cập đến dự án với sự quan tâm đặc biệt và Hà Nội đã trực tiếp xắn tay vào làm, nhận nhiệm vụ. Có hai điểm rất nổi bật là Hà Nội trực tiếp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của dự án và Hà Nội trở thành một đầu tàu để kết nối, phối hợp với các địa phương có liên quan đến dự án này” – ông Nguyễn Anh Trí nói, đồng thời nhận định, cần phải coi con đường là một loại bất động sản đặc biệt của quốc gia, phải làm cho thật tốt, thật chất lượng. Ngoài ra, cần phải làm tốt công tác quy hoạch đồng bộ khu vực vành đai của tuyến đường để tăng thêm tính hiệu quả của dự án quan trọng này.

Đồng quan điểm, GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, việc xây dựng đường Vành đai 4 không chỉ giải quyết vấn đề của riêng Hà Nội mà sẽ giải quyết vấn đề liên vùng Thủ đô.

Quy hoạch chi tiết trục phát triển

Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương cho rằng: “Vành đai 4 là nguồn lực mạnh mẽ để Hà Nội và Vùng Thủ đô phát triển. Nhưng kịch bản phát triển như thế nào để tận dụng tối đa nguồn lực đó lại là điều cần xem xét kỹ”. Bà Hoàng Thị Thu Phương phân tích, khi hình thành một trục giao thông lớn, kết nối đến nhiều địa phương, nhiều tuyến cao tốc như Vành đai 4, khu vực hành lang tuyến đường sẽ trở nên hấp dẫn đối với các DN, nhà đầu tư. Giao thông thuận lợi là tiền đề để đặt các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Khi có hoạt động sản xuất, kinh doanh, hành lang đó sẽ tự hình thành các cụm dân cư đông đúc.

Từ thực tế đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông ở nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng nhiều năm qua cho thấy, nguồn lợi từ chênh lệch giá trị đất đai trong khu vực hưởng lợi của các dự án vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Hầu hết các dự án đường bộ, đường sắt chỉ tập trung vào giải phóng mặt bằng và thi công hoàn thiện. Còn lợi nhuận từ giá đất tại hành lang các công trình lại lọt vào túi cá nhân. Nếu ngay từ khi lập dự án đã tính toán thu hồi cả đất hành lang, sau đó đem đấu giá, lấy tiền tái đầu tư cho hạ tầng sẽ giảm gánh nặng đáng kể cho ngân sách.

Do đó, ngay từ lúc này Chính phủ và chính quyền Thủ đô cũng như các địa phương liên quan cần lập quy hoạch vùng kinh tế dọc hành lang Vành đai 4, nơi nào tập trung công nghiệp, nơi nào tập trung nông nghiệp, du lịch, logistics… Cùng với đó, lên kịch bản chi tiết cho các khu đô thị hài hòa trong tổng thể giao thông, sản xuất, kinh doanh trên nền tảng kết nối của Vành đai 4. Có quy hoạch chi tiết sẽ có cơ sở để đề ra kế hoạch sử dụng đất, tận dụng nguồn lợi từ đất để tái đầu tư cho hạ tầng.

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, tại nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô vừa được lập đã đề xuất định hướng giải pháp cụ thể cho một số vấn đề trọng tâm. Trong đó có đề cập việc nghiên cứu quy hoạch xây dựng, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội tại khu vực huyện dự kiến thành quận giai đoạn 2025 - 2030 và những năm tiếp theo, gắn với phát triển đô thị xanh, bền vững hai bên trục đường Vành đai 4, tạo không gian chuyển tiếp giữa khu vực đô thị và nông thôn.

Đồng thời, nghiên cứu định hướng phát triển mở rộng khu vực đô thị trung tâm để phát huy hiệu quả sử dụng đất hai bên tuyến Vành đai 4. Ưu tiên quỹ đất mở rộng nêu trên để bổ sung cho sự thiếu hụt về hạ tầng đầu mối (giao thông, bến bãi xe, nhà ga đường sắt đô thị, nơi áp dụng mô hình TOD…), tăng không gian xanh, công cộng (sở hữu công), dịch vụ - thương mại ngầm, nổi (sở hữu tư).

Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành chia sẻ, muốn hoàn chỉnh được quy hoạch trục phát triển dọc theo Vành đai 4, cần xây dựng các tuyến nối, đường đô thị song hành có chức năng kết nối, hỗ trợ khai thác tối đa hiệu quả của trục chính. “Mạng lưới giao thông, bến bãi xe, nhà ga đường sắt đô thị, nơi áp dụng mô hình TOD... của Hà Nội trên cơ sở hình thành Vành đai 4 rõ ràng cần được định hướng chính xác ngay từ lúc này” - ông Phan Trường Thành nói.

 

Đối với công tác lựa chọn nhà thầu các gói thầu xây lắp, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng các gói thầu xây lắp, tư vấn giám sát dự án đường song hành và đang tổ chức lập thiết kế bản vẽ thi công để tổ chức phê duyệt triển khai thi công ngay sau khi khởi công dự án.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Nguyễn Chí Cường


(Còn nữa)