70 năm giải phóng Thủ đô

Tìm lời giải tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho nữ lao động di cư

Bài cuối: Rất cần có những chính sách hỗ trợ nữ lao động di cư

Trần Oanh - Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Lao động di cư, trong đó có nữ lao động nhập cư có đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Vì thế, họ rất cần có những chính sách từ phía địa phương hỗ trợ nhà ở, mua thẻ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… để cuộc sống ổn định, yên tâm lập nghiệp.

PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội 
PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội 

Rà soát để có chính sách hỗ trợ phù hợp

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cho rằng, nữ lao động di cư làm việc ở khu vực phi chính thức gặp nhiều khó khăn do đến nay vẫn không có chính sách nào cho họ. Thực tế những nữ lao động di cư chính là người mang lại dịch vụ đa dạng cho đô thị, từ bán hàng, cung cấp thực phẩm đến tận cửa nhà dân, lao công, vệ sinh, thu mua đồng nát, giúp việc...

"Lao động di cư là những người giữ cho thành phố có bộ mặt sạch sẽ, cung cấp nhu yếu phẩm cho nhiều gia đình, giúp cho việc trông nom trẻ em tốt hơn nhưng không có chính sách nào cho họ. Ví dụ như giúp việc gia đình luật quy định phải ký hợp đồng lao động để họ được bảo vệ nhưng thực tế ít người thực hiện. Đây là câu chuyện từ 2 phía nhưng rõ ràng có luật mà không đưa vào cuộc sống và không có chế tài để thực hiện. Lao động di cư là nhóm hoàn toàn bị bỏ rơi!" - TS. Khuất Thu Hồng bày tỏ.

Từ thực tế nêu trên, nữ Viện trưởng ISDS cho rằng, trong xây dựng chính sách phải có rà soát đến nơi đến chốn số lượng người nhập cư làm việc ở khu vực phi chính thức tại các đô thị về: làm việc ở lĩnh vực nào; tỉ lệ nam nữ; điều kiện làm việc có nguy cơ gì; thu nhập ra sao; chính sách, phúc lợi hiện có đã bảo vệ quyền lợi của họ cũng như con cái, gia đình họ đến đâu; họ đối mặt với nguy cơ gì khi làm việc tại đô thị... Từ kết quả khải sát đó, cần có chính sách để hỗ trợ và bảo vệ họ, sắp xếp các dịch vụ để lao động di cư, trong đó có nữ lao động nhập cư tiếp tục được tiếp tục làm việc với quyền lợi đảm bảo.

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS)
TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS)

Không nên để lao động tự do bơ vơ

PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội bày tỏ, lao động nữ tự do di cư đến các thành phố lớn, trước hết là họ thực hiện quyền của họ, bởi theo Hiến pháp quy định mỗi công dân đều có quyền lựa chọn nơi làm việc, nơi sinh sống hợp pháp. Trong trường hợp này, các địa phương nên tạo điều kiện giúp đỡ cho nữ lao động di cư.

Sự hỗ trợ đầu tiên là về điều kiện thuê nhà để họ được sống trong môi trường đảm bảo an toàn, đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu. Đồng thời, vận động và hỗ trợ họ mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội để khi họ không may bị ốm đau, tai nạn thì vẫn có tiền để sống, dù không nhiều nhưng mỗi tháng vài triệu đồng cũng giúp trang trải cuộc sống.

"Các địa phương nên đặt ra vấn đề về trách nhiệm với lao động tự do, đừng để họ bơ vơ, côi cút vì họ cũng là người dân ở nơi khác đến. Nên đặt thành nhiệm vụ của từng địa phương, từng thành phố về trách nhiệm với lao động di cư. Có thể là HĐND tỉnh, thành phố ban hành nghị quyết về tiêu chí liên quan đến tạo điều kiện (ở mức có thể trong khả năng của mình) đối với lao động di cư tự do - đặc biệt là lao động nữ", bà Bùi Thị An nêu.

Chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể chính trị xã hội - ở địa phương nhất là Hội phụ nữ cần quan tâm tạo đến điều kiện ăn ở của nữ lao động di cư. Đồng thời, coi họ như người dân tại địa phương dù thuộc diện tạm trú nào; khảo sát xem họ ăn ở trong điều kiện thế nào, gặp khó khăn gì, tham gia bảo hiểm ra sao... Từ thực tiễn đó mới có những chính sách hỗ trợ phù hợp, thiết thực.

Nguyên nữ đại biểu Quốc hội Bùi Thị An đánh giá trong giai đoạn vừa qua Thành phố Hà Nội đã làm tương đối tốt việc rà soát, quản lý đưa nữ lao động di cư tự do vào quản lý và sinh hoạt chung. Tuy nhiên, lao động nữ di cư tại Hà Nội liên tục biến động nhanh, năm sau tăng hơn năm trước nên có lẽ cần dành thêm thời gian để quan tâm tới việc này. Đồng thời, có thêm nguồn quỹ nào đó dù nhỏ để quan tâm tới nữ lao động di cư, như vậy sẽ nâng cao vai trò của Thủ đô hơn trong việc chăm lo tới đời sống nữ lao động nhập cư.

TS. Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH
TS. Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH

Hỗ trợ lao động di cư mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Nhiều năm nghiên cứu công tác an sinh xã hội, khi trao đổi về nữ lao động di cư làm việc ở khu vực phi chính thức, TS. Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH cho rằng: Dòng lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, khu đô thị lớn đang ngày càng tăng. Họ sinh sống và làm dịch vụ như buôn bán hàng rong, làm vệ sinh nhà cửa, thu gom phế liệu, chở hàng thuê ở chợ Long Biên,… thì thời gian không cố định. Những người này không ai quản lý, về danh nghĩa họ vẫn thuộc lao động nông thôn nhưng thực tế họ đã ra thành phố sinh sống và làm việc.

Những lao động di cư từ nông thôn ra thành thị làm ở khu vực ở phi chính thức và không có chế độ gì nên phải tự thuê nhà ở tạm, không đảm bảo an toàn về đường điện, phòng chống cháy nổ, nếu để xảy ra cháy nổ thì rất nguy hiểm. Để giải quyết vấn đề này, TP Hồ Chí Minh đã ra quy chuẩn cho thuê nhà về diện tích, tiện nghi, an toàn phòng chống cháy nổ. "Theo tôi, Chính phủ hoặc các tỉnh, thành phố lớn (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vũng Tàu…) nên ra quy chuẩn quy định kiểm soát việc cho thuê nhà trọ, thậm chí là áp mức cả giá tiền thuê trọ" - TS Nguyễn Hữu Dũng nêu ý kiến.

Lao động di cư ra thành phố làm việc ở khu vực phi chính thức thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tự nguyện nhưng họ thường không mua vì không đủ tiền. Chính sách này đang là khoảng trống; trong trường hợp lao động di cư gặp rủi ro khi đi làm việc thì không có chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp.

TS Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, để giải quyết vấn đề này, Trung ương nên giao phân cấp cho địa phương, địa phương lại giao tiếp cho phường, thậm chí tới tổ dân phố để thống kê và quản lý các đối tượng đến/đi. Chính quyền địa phương – nơi có nhiều người lao động đến nhập cư có chính sách đặc thù hỗ trợ họ mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (vì họ tham gia vào phát triển kinh tế của địa phương).

Trường hợp, số đối tượng lao động di cư sinh sống và làm việc ở khu vực phi chính thức trên bình diện rộng thì Chính phủ có chính sách chung hỗ trợ cho họ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, qua đó giúp bảo vệ sức khỏe, có cơ hội lĩnh lương hưu khi hết tuổi lao động, đảm bảo an sinh xã hội.