Giải bài toán về… tiền
Thể thao Việt Nam tham gia đấu trường Olympic lần đầu tiên năm 1952. Tiếp đó tại Thế vận hội mùa Hè 1980 ở Moskva (Liên Xô), Đoàn Thể thao nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham dự với 31 vận động viên tranh tài tại 4 môn thi đấu.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam góp mặt trở lại tại Thế vận hội kể từ sau chiến tranh Việt Nam và thống nhất đất nước. Nhưng phải đến Olympic Sydney 2000, chúng ta mới có thể giành huy chương khi nữ võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân giành HCB.
Trải qua 6 kỳ Thế vận hội tiếp theo, thể thao Việt Nam mới chỉ 1 lần được đứng trên bục chiến thắng cao nhất nhờ công của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở Rio 2016. Như vậy, trong lịch sử tham dự Olympic của Việt Nam mới giành 1 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ từ những nội dung tranh tài cá nhân ở các môn cử tạ, bắn súng và taekwondo.
Sau kỳ Thế vận hội 2024 tại Pháp, thể thao Việt Nam lại nêu cao khẩu hiệu “làm lại từ đầu” nhưng bắt đầu từ đâu sẽ là câu chuyện dài. Đầu tiên, kinh phí sẽ được đặt lên bàn cân khi đây luôn là vấn đề cốt yếu, nan giải đối với các nền thể thao nói chung và Việt Nam nói riêng.
Theo thống kê, thực chi ngân sách riêng cho thể thao trong năm 2024 là 826,2 tỷ đồng, bao gồm cả thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Trong khi đó, 4 năm trước đó lần lượt là 893 tỷ đồng (2023), 1.242 tỷ đồng (2022), 890 tỷ đồng (2021) và 893 tỷ đồng (năm 2020).
Trong đó, năm 2022 được chi ngân sách vượt quá 1.000 tỷ đồng cho thể thao do Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 31. Kinh phí đầu tư cho thể thao Việt Nam so với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Philippines hay Indonesia đều thấp hơn khi các nước bạn được đầu tư cả hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm từ ngân sách.
Tại hội thảo "Định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030" được tổ chức vào tháng 12/2023, Cục Thể dục thể thao (Bộ VHTT&DL) từng ước tính cần nguồn kinh phí khoảng 5.800 - 6.150 tỷ đồng để nâng tầm, hướng tới các giải đấu quan trọng trong 6 năm tới (2024 - 2030).
Cụ thể, giai đoạn 1 (2024 - 2026), tập trung xây dựng kế hoạch tuyển chọn, huấn luyện, chuẩn bị lực lượng tham dự Olympic 2024, SEA Games 2025 và Asiad 2026. Đồng thời đầu tư, nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật và trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ bảo đảm chuẩn quốc tế phục vụ đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao. Giai đoạn này cần khoảng 800 - 850 tỷ đồng/năm, tương đương 2.400 - 2.550 tỷ đồng cho cả giai đoạn.
Giai đoạn 2 (2027 - 2030), tập trung thực hiện những nhiệm vụ chính, gồm triển khai kế hoạch tập huấn và thi đấu trong nước và quốc tế; chuẩn bị lực lượng tham dự các kỳ Olympic 2028, Asiad 2030, SEA Games 2027 và 2029. Giai đoạn này cần khoảng 850 - 900 tỷ đồng/năm, tương đương 3.400 - 3.600 tỷ đồng cho cả giai đoạn. Nguồn kinh phí triển khai thực hiện đề án bao gồm ngân sách T.Ư, ngân sách địa phương và các nguồn xã hội hóa (tài trợ, huy động hợp pháp khác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước).
Trong khi vận động viên các nước được cấp kinh phí thi đấu, tập huấn nước ngoài định kỳ, chế độ dinh dưỡng được quan tâm đặc biệt thì ở Việt Nam vẫn đang phải vật lộn với từng bộ môn bằng việc tích lũy điểm số để tham dự Olympic.
“Việc vận động tài trợ, xã hội hóa đầu tư cho thể thao vẫn còn nhiều hạn chế, được chăng hay chớ, mang tính xin cho, dựa vào các mối quan hệ là chính, chưa bền vững” - Phó Chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Phạm Thế Triều chia sẻ.
Cần đầu tư trọng điểm cho môn Olympic
Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt từng chỉ ra nhiều nguyên nhân ngăn cản thể thao Việt Nam "cất cánh" ở đấu trường châu Á và thế giới.
Trong đó, có các yếu tố như số lượng vận động viên tham dự và thành tích tại Olympic, Asiad không ổn định. Các môn thể thao trọng điểm chưa có hệ thống thi đấu từ cấp tiểu học và phong trào tập luyện chưa phát triển rộng khắp.
Bên cạnh đó, chúng ta thiếu lực lượng huấn luyện viên trình độ cao, được đào tạo bài bản, đủ khả năng huấn luyện các vận động viên tầm cỡ khu vực. Bên cạnh đó, thể lực và tầm vóc của vận động viên còn hạn chế, thua kém nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực cũng như trên thế giới.
Nhìn thẳng vào những thất bại, thay vì hướng tới những mục tiêu dễ dàng giành được, thể thao Việt Nam cần bước đi mạnh mẽ hơn, tập trung đầu tư cho thể thao thành tích cao, xác định rõ mục tiêu, môn trọng điểm.
Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Hồng Minh khẳng định: “Thể thao là “không ngủ quên” trên chiến thắng khi có số lượng huy chương lớn, mà cần phải biết rằng trình độ thể thao của nước ta rất thấp so với châu lục, cần phải nỗ lực rất lớn mới có thể thi đấu và giành HCV Asiad. Trong khi các nước trong khu vực không có được số lượng HCV SEA Games nhiều như chúng ta nhưng tại đấu trường lớn họ lại vượt trội. Đây một bài học cần phải nghiên cứu, vấn đề quan trọng với các nhà thể thao”.
Nhìn sang các nước trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines không cố gắng bằng mọi giá để chạy đua vào tốp đầu bảng tổng sắp huy chương SEA Games mà tập trung đầu tư cho nhóm môn thế mạnh để tranh tài ở Asiad và Olympic. Và thực tế họ đã có những thành quả ngọt ngào ở Olympic Paris 2024 vừa khép lại.
Theo nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Hồng Minh, muốn đạt được mục tiêu ở đấu trường cao hơn như Asiad và Olympic phải đầu tư cho vận động viên trẻ có trình độ cao.
“Những thành tích chưa đạt được trình độ cao chúng ta phải nói để biết, nếu không ở đấu trường châu lục không đạt kết quả tốt dẫn đến những thắc mắc tại sao ở khu vực mình thì nó nhiều thế mà lên đến châu lục thì lại thấp. Điều này rất dễ hiểu, thấp là vì trình độ thấp. Thể thao Việt Nam phải hướng đến các giải đấu cao hơn tầm cỡ châu lục như Asiad và Olympic” - ông Nguyễn Hồng Minh nhận định.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cũng yêu cầu ngành thể dục thể thao trong thời gian tới phải tập trung chấn chỉnh công tác đào tạo, tính toán từ cấp tỉnh, ngành đến hình thành các cấp độ đội tuyển.
Trong đó, đặc biệt chú ý quy trình tuyển chọn, đào tạo cần mang tính hệ thống, bố trí điểm tập huấn tập luyện hợp lý với từng môn, đây là yếu tố nền tảng. Tiếp theo, ngành thể dục thể thao cần tập trung rà soát cơ sở vật chất đối với từng trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, từng địa phương để xác định thế mạnh, bố trí đội tuyển phù hợp.
“Thể thao Việt Nam không thiếu nhân tài. Nhưng ước mơ phải đi liền hành động, nếu chỉ ngồi than vãn, chê trách, đổ lỗi thì không bao giờ có thể thao thành tích cao. Thể thao Việt Nam phải chọn danh mục thể thao trọng điểm, từ đó lựa chọn các vận động viên trọng điểm đào tạo theo hướng từ sớm, từ xa. Đây là giải pháp trọng tâm đột phá để nâng tầm" - Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Tính đến thời thời điểm hiện tại, Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến 2020 đã kết thúc 4 năm nhưng Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045 vẫn chưa được Bộ VHTT&DL trình Chính phủ thông qua. Sau tất cả, thể thao Việt Nam cần một cú hích lớn để có thể hướng đến những đấu trường như Asiad hay Olympic với kết quả khả quan hơn.
Vấn đề chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, phục hồi sức khỏe và phòng ngừa chấn thương có vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong quy trình đào tạo vận động viên thành tích cao. Chỉ khi nào ngành thể dục thể thao kết hợp tốt công tác huấn luyện khoa học với chế độ chăm sóc sức khỏe phù hợp, tạo ra được khả năng thích nghi cao, cùng với đó là tăng cường trình độ tập luyện của vận động viên, khi đó mới có sự phát triển thể thao thành tích cao một cách bền vững.
GS.TS Lê Quý Phượng - Trường Đại học Thể dục thể thao TP Hồ Chí Minh