Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài học còn nguyên tính thời sự

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay ngày 11/6, tròn 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018).

 Bút tích “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” và bài báo (năm 1948)
Hướng tới dịp kỷ niệm trọng đại này, nhiều hoạt động, đặc biệt là những hoạt động gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được tổ chức sâu rộng, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và người dân thuộc mọi tầng lớp, lứa tuổi tham gia. Đây là cách làm thiết thực nhất hưởng ứng lời kêu gọi của Bác mà sau 70 năm vẫn còn nguyên giá trị. 
Không chỉ đề cập đến tác động to lớn của phong trào thi đua yêu nước, biểu dương kịp thời những thành tích mà phong trào đạt được, Người luôn khẳng định hoạt động thi đua cần sự tham gia của tất cả mọi người, ở mọi tầng lớp, lứa tuổi, trên mọi mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa... Và trong Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc (ngày 1/5/1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.

Quan tâm theo dõi, động viên và tự mình làm gương trong phong trào thi đua, Người cũng luôn chỉ ra những vấn đề cần khắc phục để phong trào quần chúng rộng lớn này luôn đi đúng hướng và đạt nhiều hiệu quả. Như ngày 1/8/1949, hơn một năm sau khi ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, trong Lời kêu gọi thi đua chuẩn bị Tổng phản công, cùng với việc biểu dương những kết quả đạt được, Bác cũng đã chỉ ra những khuyết điểm cần sửa chữa.
Đơn cử như trước việc nhiều người tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc làm hằng ngày, Bác đã chỉ rõ: “Thật ra công việc hằng ngày chính là nền tảng của thi đua. Thí dụ: Từ trước đến giờ ta vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, mặc, ở cho sạch sẽ, cho hợp vệ sinh, cho khỏi đau ốm. Xưa nay ta vẫn làm ruộng. Nay ta thi đua làm cho đất ruộng tốt hơn, sản xuất nhiều hơn. Mọi việc đều thi đua như vậy”… Tưởng lầm rằng thi đua chỉ nhất thời. Thật ra thi đua là phải trường kỳ. Bác cũng nêu thực tế nhiều nơi đặt những kế hoạch thi đua không sát với hoàn cảnh, không sát với địa phương; Nơi thì đặt kế hoạch quá to, rồi làm không nổi; Nơi thì ban đầu làm quá ồ ạt, nhưng ít lâu sau đuối sức, không tiếp tục thi đua được; Nơi thì mỗi một đoàn thể, mỗi một ngành có một kế hoạch riêng mà các kế hoạch thì không ăn khớp với nhau, thành thử “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”; Nhiều nơi có kinh nghiệm, hoặc kinh nghiệm thành công hoặc kinh nghiệm thất bại, nhưng không biết trao đổi cho nơi khác để tránh cái dở, học cái hay của nhau…

Những lời nhắc của Bác về những khuyết điểm của việc thực hiện phong trào thi đua yêu nước đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Những khuyết điểm mà Bác chỉ ra của phong trào thi đua cách nay ngót 7 thập kỉ dường như vẫn thấp thoáng đâu đó, dưới những hình thức, mức độ khác nhau. Trong công tác thi đua, và không chỉ riêng công tác thi đua, chúng ta vẫn thường xuyên phải nhắc nhau chống tình trạng làm chiếu lệ, nhất thời, chống bệnh thành tích, phô trương hình thức, đánh trống bỏ dùi, rập khuôn máy móc…

Khẳng định những đóng góp to lớn của các phong trào thi đua vào những thành tựu to lớn và sự nghiệp cách mạng của dân tộc, ôn lại lời nhắc nhở của Bác về những khuyết điểm dễ gặp phải trong việc tổ chức phong trào thi đua nói riêng cũng như các phong trào quần chúng nói chung để thấy rõ những bài học sâu sắc. Qua đó để phong trào thi đua ngày càng trở thành một phong trào rộng lớn, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ một nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như di nguyện của Người.