Vô tình lượm được... bí kíp?Trong những ngày qua, không khí bóng đá ăn sâu vào đời sống xã hội khiến hàng triệu triệu người bùng nổ cảm xúc và chủ đề liên quan đến U23 Việt Nam xuất hiện dày đặc trong mọi câu chuyện của mọi tầng lớp người dân. Sự thăng hoa cảm xúc của khán giả một phần đến từ thành tích có phần đầy bất ngờ của U23 Việt Nam tại giải đấu mà ít ai có thể nghĩ thầy trò HLV Park Hang Seo có thể giành quyền vào chơi trận chung kết.
Thực tế, từ trước khi giải đấu diễn ra, sự hoài nghi dành cho nhà cầm quân người Hàn Quốc là tương đối lớn. Ông mới sang Việt Nam chưa được 4 tháng và mọi thứ còn khá mới mẻ đến mức việc ông lên danh sách tập trung cũng phải tham khảo hết người này đến người kia. Hơn nữa, lối chơi mà ông Park sẽ áp dụng tại U23 Việt Nam cũng bị đặt dấu hỏi lớn nhất là sau giải M-150 Cup. Tuy nhiên, nhà cầm quân này đã cho thấy những tính toán của mình là đầy khoa học khi xong giải đấu giao hữu tại Thái Lan, ông đã nghiên cứu kỹ các đối thủ mà U23 Việt Nam sẽ gặp tại VCK U23 châu Á để từ đó xây dựng đấu pháp, sơ đồ. Rồi khi vào giải, U23 Việt Nam đã gây ngạc nhiên với lối đá phòng ngự phản công trong sơ đồ 5-4-1 rồi 3-5-2, thậm chí khi cần tấn công được biến thể sang 3-4-3. Đây là 3 sơ đồ chủ đạo mà U23 Việt Nam đã chơi tại giải đấu và đem đến hiệu quả đáng kinh ngạc. Ông Park đã cho thấy dù mới đến làm việc nhưng khi biết mình, biết ta thì việc đưa ra đấu pháp hợp lý sẽ là chìa khóa mở ra thành công. Cách làm của HLV Park Hang Seo có sự khác biệt cực lớn so với người tiền nhiệm từ khâu nghiên cứu đối thủ để đưa ra sơ đồ hợp lý và quan trọng hơn nó phải phù hợp với tố chất của cầu thủ Việt Nam. Trước đây, hàng loạt nhà cầm quân từ thầy ngoại cỡ Toshiya Miura, đến thầy nội có tiếng Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc và Nguyễn Hữu Thắng đều gặp thất bại ở giải đấu lớn khi đưa ra cách chơi không hợp lý với tố chất cầu thủ Việt và quá mong manh khi giáp mặt với đối thủ lớn.Đào tạo trẻ là gốc rễNhìn lại thành công ngoài mong đợi của U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2018, nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi cũng với 2/3 lực lượng như SEA Games 29 mà tại sao đội tuyển dưới thời ông Park lại thành công, còn người tiền nhiệm Nguyễn Hữu Thắng lại thua thảm, bị loại ngay từ vòng bảng ở đấu trường vẫn được xem là ao làng như SEA Games. Như đã nói, ngoài việc đưa ra đấu pháp hợp lý thì ông Park cực giỏi trong việc tính toán điểm rơi phong độ cầu thủ cũng như rèn kỹ thể lực và định hướng được tinh thần cho học trò. “Khi theo dõi cầu thủ Việt Nam thi đấu ở V.League tôi thấy họ có trình độ không thua kém gì những đồng nghiệp đang chơi bóng ở các nền bóng đá hàng đầu châu lục như Hàn hay Nhật. Nhưng khi vào trận, tâm lý họ không ổn định hay run sợ, nên tôi đã đặt ra vấn đề cần phải làm triệt để tư tưởng cho cầu thủ” - HLV Park Hang Seo chia sẻ. Thực tế, ở giải đấu vừa qua, dù gặp hàng loạt đội mạnh như U23 Australia, U23 Iraq hay U23 Qatar thì các cầu thủ U23 Việt Nam đều chơi rất tự tin, không hoang mang, mong manh rồi tự vấp sai lầm cá nhân như ở SEA Games 29. Ông Park đã thổi làn gió mới cho đội tuyển bằng sự kích lệ tinh thần, tạo được niềm tin lớn về năng lực cho học trò. Đấy là bệ phóng cho thành công của đội tuyển tại giải đấu mà ít ai nghĩ họ có thể liên tục tạo nên cú sốc lớn.Mặt khác, qua giải đấu này, những người làm bóng đá Việt Nam cần phải ngồi lại với nhau nhiều hơn để vạch ra định hướng để sau này, chúng ta còn được tận hưởng niềm vui ở các giải cấp độ châu lục. Trong đó, vấn đề đào tạo trẻ cần được tăng cường hơn, bởi như danh sách hiện tại của U23 Việt Nam, mới chỉ có những điểm sáng từ HAGL, Hà Nội, VPF, Viettel – vốn vẫn là những lò đào tạo cung cấp chính nhân sự cho đội tuyển. Vì vậy, để phát triển bền vững, để còn nhiều thành công như U23 hôm nay, hơn bao giờ hết cần sự cộng hưởng của cả hệ thống đào tạo trẻ trên khắp cả nước.