Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bản chất của hát quan họ là vận động không ngừng nghỉ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trên số báo 45, ra ngày 1/3/2013, báo Kinh tế & Đô thị đã đăng bài phỏng vấn nhà nghiên cứu cổ nhạc Bùi Trọng Hiền "Hát quan họ đã thay đổi tận gốc, rễ".

 Sau bài viết này, tòa soạn đã nhận được những ý kiến khác nhau về cách đánh giá của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền. Để rộng đường dư luận, báo Kinh tế&Đô thị đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, giảng viên khoa Văn học (trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội), người có nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu về quan họ…

 Ông có thể cho biết sự khác biệt giữa quan họ cổ và thứ quan họ đang được trình diễn ở Hội Lim ngày nay?

- Tôi không thích chữ "thứ" của bạn lắm. Đi hội, nghe hát, mỗi người một tâm thế nhưng trước hết là phải tôn trọng chủ thể một cách tự nhiên. Có những điều người này không ưng ý nhưng người khác lại thích, không phải cái gì cũng toàn là sai lầm với tiêu cực.

Bản chất của hát quan họ là vận động không ngừng nghỉ - Ảnh 1

Hát quan họ tại Hội Lim. Ảnh: Quang Toàn

Khái niệm "quan họ cổ" mỗi người có thể hiểu khác nhau nhưng khá đồng thuận ở điểm: Đó là tục hát quan họ đã từng diễn ra ở nhiều làng khác nhau trên đất Bắc Ninh, Bắc Giang thời điểm trước 1945. Khi chúng ta ghi chép, nghiên cứu hát quan họ một cách khoa học vào 1956 trở về sau, thì còn rất nhiều cụ trước 1945 đã tham gia hát vẫn còn sống và cung cấp bài bản cũng như ký ức truyền miệng cho các nhà nghiên cứu. Còn những ghi chép dân tục trước đó không nhiều nên khó hình dung thế nào là hát quan họ cổ cuối thế kỷ XIX trở về xa xưa. Theo tìm hiểu của tôi, những ghi chép liên quan hai chữ "quan họ" thì đã có vào năm 1759 (Quốc ngữ), 1764 (chữ Nôm), khoảng ngay trước 1800 (chữ Nôm), còn ghi chép liên quan đến "việc hát" này có một số như Đại Nam thực lục chính biên (1885, chữ Hán có Nôm), Bắc Ninh tỉnh khảo dị (1920, chữ Hán có Nôm), Hát quan họ (1942?, Quốc ngữ), một số bài phóng sự trên Nam phong tạp chí và Tri tân tạp chí (sau 1940, Quốc ngữ). Mở rộng diện văn bản liên quan đến đình Lim và hát hội Lim thì ta còn thấy tài liệu văn bia ở làng Đình Cả (vào đầu và cuối thế kỷ XVIII, chữ Hán). Các nhà nghiên cứu xưa nay chưa có điều kiện tiếp xúc và lý giải loại văn bản này. Nếu đọc kỹ, có phê phán, những tài liệu trên thì ta nhận ra, hát quan họ vốn trước đó là hát cửa quan (quan hộ ca) cũng như hát cửa quyền (quyền môn ca), và nó cũng trải qua giai đoạn hát cửa đình (đình môn ca). Tuy nhiên, trên không gian trên đất Kinh Bắc (hiểu rộng) nó có sự phát triển bột phát theo hướng dân dã hóa, dân phương hóa (khác với quan phương) và tích hợp rất nhiều ca hát truyền thống vào đó như đúm, ví, tuồng, chèo, văn... Các nghệ nhân còn phân biệt rất rõ các "giọng" này. Và như vậy, "quan họ cổ" là một thực thể có những điểm chung nhưng cũng rất phong phú và phức tạp về tổ chức, lề lối, bài bản, giao tế... Mỗi làng có những nét riêng khá phân tán. Lập nhóm, kết nghĩa, hát giải, hát thờ... cũng chỉ là một ít động thái trong sự phong phú đó mà thôi. Đặc biệt, thực thể "hát quan họ" này là hệ quả của sự vận động và bản chất của nó là luôn vận động, biến đổi trong không gian và thời gian. Không có một cái "Cổ" đứng im, xưa cũng như nay.

Còn về "hát quan họ mới" có thể hình dung như sau: Sau 1945 cho đến 1954, là giai đoạn xây dựng thể chế văn hóa mới và kháng chiến chống Pháp, hát quan họ vận động tàn lụi dần so với trước đó. Đến 1956, tổ Âm nhạc của Bộ Văn hóa tiến hành sưu tầm một cách khoa học tục hát này và báo động về sự lụi tàn của nó.

 Một phương thức mới nảy sinh: Chuẩn hóa khúc thức, đưa lên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1968, một hành động sáng suốt thực thi: Tập hợp 7 anh em trẻ thành Đội Dân ca Quan họ Bắc Ninh và sau đó, 1969, có quyết định thành lập Đoàn dân ca Quan họ Bắc Ninh với nhiệm vụ sưu tầm, bảo lưu, nghiên cứu, dàn dựng, biểu diễn Hát quan họ phục vụ cuộc sống lao động và chiến đấu lúc đó. Học truyền miệng từ các làng ở các cụ từng hát "quan họ cổ". Lựa chọn tác phẩm đưa lên sân khấu dàn dựng để phục vụ. Các nhạc sĩ viết đệm cho các tác phẩm. Một bước thay đổi có ý nghĩa sống còn với hát quan họ để chúng ta ngày nay còn lại cái gọi là di sản văn hóa thế giới. Nhóm dân gian hát quan họ Lim được thành lập sau đó do cụ Lạc làm đội trưởng và đó là nhóm dân gian sống lại sớm nhất trên vùng này. Các nhóm khác hiện nay đều mới lập lại sau 1985. Đó là đoạn đầu biến đổi của cái gọi là hát quan họ hiện đại.

Từ 1990, với việc tổ chức thi hát quan họ cổ đối đáp của tỉnh Hà Bắc, phong trào hồi sinh mạnh mẽ cho đến ngày nay, đó là một may mắn với dân ca này.

Hôm nay lại là một bước thay đổi, cải biến mới. Yếu tố "trình diễn" càng ngày càng lấn át yếu tố thính phòng. Hát quan họ cổ truyền trong nhà như bộ đội đánh giặc trên chiến trường, hát quan họ trình diễn trong Hội như bộ đội duyệt binh trên quảng trường. Đi đánh giặc mà cũng như duyệt binh thì thua trận. Thế thôi. Chúng ta đi xem hát ở hội hiện nay là xem duyệt binh vậy, còn vào làng nghe ở các nhà là xem đánh trận. Hai tâm thế khác nhau. Đừng bắt cái này phải là cái kia. Chúng ta đang chứng kiến một động thái mới trong quá trình vận động lâu dài của hát quan họ.

Phải chăng khi đề nghị UNESCO công nhận di sản chúng ta đã quá quan tâm đến cuộc chơi đã từng có trong quá khứ?

- "Vô cổ bất thành kim", cái gì mà chẳng thế. Vì vậy, không hẳn đó là "cuộc chơi từng có trong quá khứ" mà nó phải là một thành tựu văn hóa và nghệ thuật lâu dài trong tính vận động không ngừng của nó. Tổ chức UNESCO, các thành viên của nó đều ăn lương của tất cả quốc gia (nhiều hay ít) nộp vào. Vì ăn lương đó nên họ có một trong những nhiệm vụ là bảo tồn bản sắc văn hóa cho nhân loại. Vì không có bản sắc sẽ không có khái niệm văn hóa, hay nói cách khác, văn hóa sẽ sụp đổ. Mà nhân loại thì cần văn hóa. Có người làm nhiệm vụ bảo vệ những con vật trong sách đỏ thì có người làm nhiệm vụ bảo vệ bản sắc văn hóa. Công nhận là nhiệm vụ chung của cả họ và của cả ta. Nhưng khi chưa công nhận thì Hát quan họ đã tràn đầy năng lực và nếu không công nhận thì nó vẫn sung sức đó sao?

Thực hiện lời cam kết với UNESCO, hàng năm, Nhà nước, tỉnh Bắc Ninh vẫn đầu tư hàng tỉ đồng để bảo tồn, phục dựng quan họ cổ, liệu chúng ta có phục dựng được như mong muốn không?

- Đó là việc rất đáng làm. Bảo tồn và phục dựng quan họ cổ có thể cần nhiều tiền hơn vẫn cứ đáng làm. Điều này rất cần sự đóng góp của giới nghiên cứu, của các nghệ nhân dân gian, đặc biệt là các anh chị khóa I Đoàn dân ca Quan họ. Tôi biết không ai giữ nhiều vốn cổ hơn họ. Không ai được học từ các nghệ nhân Quan họ cổ (hát trước 1945) trực truyền nhiều như họ. Họ cũng trên 60 tuổi cả rồi. Các thầy của họ, mỗi người biết một ít của làng mình, cũng chỉ còn dăm người thôi như cụ Nguyên (ông), cụ Nguyên (bà), cụ Nhi, cụ Xân... Danh sách ai dạy cho Đoàn từ 1969 - 1973 đang còn đó, sống thờ chết giỗ. Phục dựng và bảo tồn Hát quan họ cổ để giữ cái "bất biến" ứng với sự vận động "vạn biến" hôm nay. Dĩ bất biến ứng vạn biến là vậy. Hát hội như trên đồi Lim vừa rồi là vạn biến trong cuộc sống hiện đại đấy.

Vậy theo ông, không khí náo nhiệt, hát quan họ ầm ĩ ở hội Lim có phù hợp với bản chất của di sản không?

- Đã là hội làng thì không ai muốn hội làng mình ỉu xìu. Tủi thân lắm. Dĩ nhiên là thái quá thì bất cập. Làm thế nào trong cái vạn biến giữ được cái bất biến. Tôi xem nhiều tấm ảnh chụp lễ hội cổ truyền diễn ra trước 1945, nó tiêu điều xơ xác quá đỗi. Hội càng "náo nhiệt" càng hay. Một trong những bản chất của hát quan họ là vận động, thay đổi không ngừng nghỉ. Đứng im có nghĩa là chết. Tôi chưa thấy hiện tượng đứng im trong dân ca này.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho rằng, không quá khó trong công tác bảo tồn quan họ cổ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Thực tình điều này không quá khó. Viện âm nhạc ghi âm khá đủ các bài bản rồi. Nhạc sĩ Hồng Thao đã rất công phu trong việc kí âm (tôi nghĩ không thể kỹ càng hơn nhưng chưa in hết phần sưu tầm, ký âm của cụ). Chúng ta có thể lấy các anh chị khóa I của Đoàn dân ca Quan họ Bắc Ninh làm nòng cốt, xây dựng nhiệm vụ bảo tồn cho một số nhóm của Đoàn. Còn các nhóm dân gian thì hướng dẫn cách chơi cách hát trước đây cho họ để khi cần, họ có thể hát như vậy. Tôi thấy những năm 1990 - 1995 một số nhóm cũng đã đi lại kết nghĩa với nhau rồi. Còn bình thường, họ hát theo nhu cầu người nghe. Có thay đổi cũng không sao, cái gì có giá trị sẽ tồn tại. Biết đâu, cái biến thái hôm nay sẽ thành giá trị truyền thống cho vài trăm năm sau, cũng như các biến thái trước đây là cổ truyền của hôm nay. Bài “Mời rượu” của nhạc sĩ Phó Đức Phương đã trở thành truyền thống rồi đấy. Đừng hy vọng biến cả xã hội hôm nay thành xã hội cổ xưa mới bảo tồn được. Vấn đề có kinh phí thì nên biết đặt nó vào đâu thì hiệu quả, thế thôi.

Xin cám ơn ông!