Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bạn đọc viết: Một bước cải cách hành chính quan trọng

Duy Vũ (phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày vừa qua, dư luận xôn xao với mấy chữ “bỏ sổ hộ khẩu”. Theo chủ trương của Chính phủ, giao cho Bộ Công an ngay từ bây giờ và chậm nhất là khoảng 3 - 4 năm nữa, mỗi lần đi làm thủ tục hành chính, chỉ cần mang một thẻ căn cước công dân thay vì phải mang trên 20 giấy tờ tùy thân như trước đây.

Dư luận quan tâm không chỉ bởi điều đó, mà còn do đây là lần đầu tiên cải cách hành chính có liên quan trực tiếp tới hơn 90 triệu công dân Việt Nam.
Bỏ sổ hộ khẩu và nhiều loại giấy tờ bằng giấy, thay bằng dữ liệu quốc gia để có thể truy cập ở bất cứ đâu (có internet) là việc làm quan trọng nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính trong chủ trương tinh giản bộ máy, đổi mới tác phong hành chính lạc hậu, giảm phiền hà cho người dân. Nó cũng thể hiện một cách cụ thể nước ta đã hội nhập đến mức độ nào về quản lý xã hội với thế giới.

Bộ phận tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính của phường Định Công

(quận Hoàng Mai). Ảnh: Anh Quý
Thực ra, hộ khẩu là thủ tục thân thiết không chỉ với người Việt Nam. Trên thế giới, không có nước nào bỏ hộ khẩu, thậm chí ngày càng siết chặt hơn, nhiều chi tiết hơn. Nhưng ở Việt Nam, do nghèo, do chiến tranh, do trình độ khoa học công nghệ thấp, do bao cấp… từ những năm 1990 phải quản lý công dân bằng giấy tờ, thậm chí bằng nhiều loại giấy tờ, nhiều loại sổ… Phải nói rằng, sổ hộ khẩu và các loại giấy tờ khác cũng có giá trị tích cực, nhưng ngoài những lý do khách quan trên, không thể không nói đến những nguyên nhân chủ quan như muốn kéo dài lối quản lý cục bộ, cơ chế xin cho và quan liêu, cửa quyền.

Trong từng ngành, lĩnh vực, cơ quan quản lý nhà nước đều cấp cho công dân một loại giấy tờ, chính vì thế, một người sở hữu nhiều loại giấy tờ. Mà thông tin trong các loại giấy tờ này có nội dung trùng lặp, nên khi sử dụng giấy tờ để truy nguyên công dân thì đều hiển thị thừa. Nhưng khi tham gia giao dịch, lại không thể sử dụng một trong các giấy tờ để chứng minh tình trạng nhân thân của mình. Cơ chế quản lý cồng kềnh, rườm rà này không chỉ gây phiền cho người dân, mà gây lãng phí thời gian và tiền của của nhiều cơ quan, lại kém hiệu quả, nhiều sai sót.

Để khắc phục những bất cập trên, chúng ta đã nhiều lần chấn chỉnh, bổ sung, kể cả ở cấp Chính phủ và Quốc hội, nhưng đây là lần thay đổi triệt để nhất trên cơ sở những tiến bộ trong ứng dụng công nghệ thông tin (40% dân cư dùng điện thoại và 80% biết sử dụng internet). Cụ thể, hồi tháng 3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07, giao Bộ Công an khẩn trương triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc. Các thông tin cơ bản của công dân sẽ tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất từ T.Ư tới địa phương để dùng chung. Người dân chỉ khai một lần đầu, từ đó về sau cơ quan quản lý nhà nước cập nhập thông tin.

Cũng có người thắc mắc tại sao việc quan trọng vậy mà mãi đến năm 2020 mới xong. Là bởi, như đại diện Bộ Công an giải thích: Dữ liệu quốc gia về dân cư là dữ liệu gốc, cần phải chính xác, không có sai sót. Đó là khối lượng công việc vô cùng lớn, phải cật lực nhiều năm mới xong. Hơn nữa, vì công nghệ sản xuất thẻ căn cước rất hiện đại, cầu kỳ, nên mất nhiều thời gian.

Mặc dù hiện nay, việc cấp thẻ căn cước công dân đang được thực hiện tại 16 địa phương, nhưng từ 1/1/2020 sẽ cấp căn cước công dân trong toàn quốc. Từ nay đến lúc đó, những người đang dùng CMND vẫn được phép sử dụng tới khi hết thời hạn, chứ không bắt buộc phải đổi ngay sang thẻ căn cước. Khoảng năm 2020 xong cơ sở dữ liệu này, Bộ Công an sẽ đề xuất bỏ sổ hộ khẩu bằng giấy như hiện nay. Tóm lại, như Thiếu tướng Lương Tam Quang - người phát ngôn Bộ Công an khẳng định: “Ở đây chỉ cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin. Bỏ sổ hộ khẩu và CMND không có nghĩa là bỏ quản lý, chỉ là thay đổi quản lý từ giấy tờ rườm rà hiện nay sang quản lý bằng công nghệ thông tin nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân”.