Theo phát ngôn viên Lee Kyu-chul của nhóm công tố viên đặc biệt, bà Choi Soon-sil, nhân vật trung tâm của vụ bê bối tham nhũng liên quan đến Tổng thống Hàn Quốc tiếp tục bị cáo buộc với tội danh nhận hối lộ. Trước đó, vào cuối tháng 10, bà Choi đã bị bắt giữ với tội danh lạm dụng quyền lực và tham gia vào những công việc nội bộ của chính phủ, trong khi không nắm giữ chức vụ quan trọng.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của nhóm công tố viên đặc biệt đã từ chối cung cấp thêm thông tin. Hiện, luật sư đại diện của bà Choi Soon-sil vẫn chưa đưa ra những bình luận cụ thể. Bà Choi (60 tuổi), bị cáo buộc thông đồng với Tổng thống Hàn Quốc lạm dụng quyền lực nhằm gây áp lực, buộc các tập đoàn lớn ủng hộ một khoản tiền lớn cho hai quỹ phi lợi nhuận Mir và K-Sports cho bà Choi thành lập. Vào phiên điều trần cuối tuần qua trước tòa án, bà Choi Soon-sil đã phủ nhận mọi cáo buộc.
Trong diễn biến liên quan, hai giám đốc điều hành cao cấp của Tập đoàn Samsung buộc phải tiếp nhận một cuộc thẩm vấn liên quan đến bê bối tham nhũng. Nhóm công tố viên đặc biệt đang điều tra để xem liệu tập đoàn Samsung, ông lớn "ngành điện tử" Hàn Quốc đã ủng hộ tiền để trao đổi việc ủng hộ của bà Choi và Tổng thống Hàn Quốc trong vấn đề kinh doanh.
Văn phòng chiến lược tương lai của Samsung, thực chất là bộ phận kiểm soát của tập đoàn gia đình lớn nhất Hàn Quốc này, bị nghi đã hối lộ Tổng thống Park và người bạn thân của bà là Choi Soon-sil để được ưu ái trong vụ sáp nhập quan trọng nhất của tập đoàn hồi tháng 7/2015.
Vụ sáp nhập giữa Samsung C&T và Cheil Industries nhằm tạo ra công ty nắm giữ tập đoàn để tiến tới chuyển giao quyền lãnh đạo tập đoàn từ Chủ tịch Lee Kun-hee cho người con trai duy nhất là Lee Jae-yong. Cơ quan Hưu trí Quốc gia (NPS) của Hàn Quốc đã phê chuẩn việc sáp nhập trên bất chấp sự phản đối mạnh của các cổ đông nước ngoài cho rằng tỷ lệ trao đổi không công bằng. Khi đó NPS là cổ động lớn nhất của Samsung C&T. Người đứng đầu NPS Moon Hyung-pyo đã bị bắt giữ ngày 31/12/2016 để phục vụ công tác điều tra.
Bên cạnh đó, Ủy ban đặc biệt của Quốc hội Hàn Quốc phụ trách điều tra vụ bê bối liên quan đến Tổng thống bị luận tội Park Geun-hye quyết định thúc đẩy kéo dài điều trần về vụ việc này trong bối cảnh hầu hết các nhân chứng chính không tham dự. Quốc hội Hàn Quốc đã tiến hành cuộc điều trần thứ 7 về vụ bế bối vào ngày 9/1, nhưng trong số 20 nhân chứng mà ủy ban đặc biệt triệu tập chỉ có 3 người có mặt.
Trong số các nhân chứng không tham dự cuộc điều trần này có 2 cựu thư ký của tổng thống Park Geun-hye từng trợ giúp bà trong gần 2 thập kỷ qua, cùng Bộ trưởng Thể thao và Văn hóa đương nhiệm, và cựu trợ lý cấp cao của tổng thống phụ trách giám sát cơ quan tình báo, cơ quan công tố và cảnh sát.