Bạn thân Tổng thống Hàn Quốc phủ nhận cáo buộc trong vụ Choigate

Hà Phương (Theo Yonhap)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong phiên điều trần trước tòa án, bà Choi Soon-sil, bạn thân Tổng thống Hàn Quốc đã phủ nhận mọi cáo buộc thời gian qua.

 Bà Choi Soon-sil có mặt tại Tòa án Trung tâm Seoul.

Bà Choi Soon-sil, nhân vật trung tâm của vụ bê bối liên quan đến Tổng thống Hàn Quốc (được báo giới gọi là Choigate) đã có mặt tại biểu điều trần trước Tòa án Trung tâm Seoul trong chiều 19/12. Đây là lần đầu tiên bà xuất hiện công khai sau khi chính thức tiếp nhận điều tra của công tố viên vào cuối tháng 10 vừa qua. Bà Choi đã bác bỏ mọi cáo trạng và khẳng định không thông đồng với Tổng thống Park. 

Bà Choi Soon-sil (60 tuổi), bị cáo buộc lợi dụng ảnh hưởng của Tổng thống Hàn Quốc nhằm gây sức ép buộc các tập đoàn lớn chuyển hàng chục triệu USD vào các quỹ từ thiện thiếu minh bạch của mình. Trước đó, các công tố viên đặc biệt cáo buộc Tổng thống Park là đồng phạm, mặc dù bà được hưởng quyền miễn trừ khi đương nhiệm.

Hiện, bà Choi mới chỉ thừa nhận có đọc và xem trước các bản thảo bài phát biểu của Tổng thống sau khi bà Park đắc cử, song bác bỏ việc tiếp cận với các tài liệu mật và can thiệp vào các vấn đề quốc gia để trục lợi.

Trong phiên tòa, ngoài bà Choi, hai cựu trợ lý của Tổng thống Park cũng phải hầu tòa để trả lời về những cáo buộc lạm quyền và tống tiền. Phát ngôn viên tòa án Shin Jae-hwan cho biết, bà Choi bị buộc tội lạm dụng quyền lực, tống tiền và gian lận. Nếu bị kết án, bà Choi có thể đối mặt với 15 năm tù.

Vào tuần trước, sau khi Quốc hội Hàn Quốc thông qua đề xuất luận tội với 234 phiếu tán thành, bà Park Geun-hye đã bị đình chỉ tạm thời chức vụ Tổng thống. Thủ tướng đương nhiệm Hwang Kyo-ahn đang tạm thời thay thế vị trí của bà Park.

Trong diễn biến liên quan, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã có lời chỉ trích hiếm hoi đối với chính quyền Tổng thống Park Geun-hye và lo ngại nước này thiếu hệ thống quản lý hiệu quả. Ông Ban cũng cho rằng Hàn Quốc chưa bao giờ trải qua cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng như thế, ngoại trừ thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953).

Khi được hỏi về điều lo ngại nhất, ông Ban Ki-moon cho biết: “Người dân Hàn Quốc rất thất vọng và tức giận về việc thiếu hệ thống quản lý đất nước hiệu quả. Họ cho rằng niềm tin vào sự lãnh đạo đất nước bị phản bội". Nhận xét về vụ bê bối trong hai tháng qua, ông Ban cho rằng bất ổn chính trị ở Hàn Quốc là rất “đáng lo ngại”.

Mặc dù vẫn chưa tuyên bố ý định ra tranh cử Tổng thống Hàn Quốc vào năm sau, song ông Ban Ki-moon từ lâu đã được xem là ứng cử đầy tiềm năng. Giới quan sát hy vọng ông Ban sẽ bắt đầu hoạt động chính trị khi trở về quê nhà vào tháng 1/2017 sau khi kết thúc 2 nhiệm kỳ Tổng Thư ký LHQ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần