Nằm ở vị trí gần tâm bão, dự kiến số người chết do cơn bão mạnh cấp 4 tại Jamaica sẽ còn tiếp tục tăng cao, khi hoạt động liên lạc và thông tin được khôi phục trên khắp các hòn đảo, vốn hiện đang bị cô lập do lũ lụt và gió lớn.
Cơn bão Beryl đã di chuyển dọc theo bờ biển phía Nam của hòn đảo, tàn phá các cộng đồng dân cư, buộc cơ quan chức năng phải sơ tán người dân khỏi các khu vực dễ bị lũ lụt.
"Mọi thứ đều bị phá hủy, thật kinh khủng!", ông Amoy Wellington, nhân viên thu ngân 51 tuổi sống ở Top Hill, khu vực Nông nghiệp nông thôn thuộc giáo xứ St. Elizabeth phía Nam Jamaica, cho biết. "Đây là một thảm họa."
Một phụ nữ đã mất mạng tại giáo xứ Hanover của Jamaica sau khi ngôi nhà của cô bị cây lớn đổ làm sập, Richard Thompson, quyền Tổng giám đốc Cơ quan ứng phó thảm họa Jamaica cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên bản tin địa phương.
Ước tính có gần một nghìn người Jamaica đã trú ẩn tạm thời tại các khu vực lều tạm từ tối ngày 3/7.
Các sân bay chính của hòn đảo đã bị đóng cửa và đường phố trở nên trống rỗng sau khi Thủ tướng Andrew Holness ban hành hạn chế trên toàn quốc vào hôm 3/7.
"Chúng tôi sẽ cố gắng phục hồi mọi thứ trong khả năng của mình,” ông Holness nói trước đó vào thứ Tư (3/7), kêu gọi cư dân ở các khu vực bị ảnh hưởng di tản.
Sự mất mát về người và thiệt hại do bão Beryl gây ra phản ánh hậu quả của hiện tượng nóng lên tại Đại Tây Dương. Nhiều nhà khoa học cho rằng đây là dấu hiệu rõ ràng của việc biến đổi khí hậu do con người gây ra, dẫn đến hệ quả các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn so với quá khứ.
Ông Ralph Gonsalves, Thủ tướng Saint Vincent và Grenadines, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở phía Đông Caribbean, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh rằng đảo Union của đảo quốc này đã bị Beryl "san bằng".
"Mọi người đều mất hết nhà cửa. Chúng ta sẽ cần một nỗ lực khổng lồ để xây dựng lại."
Phát biểu với truyền thông nhà nước, Nerissa Gittens-McMillan, Thư ký thường trực Bộ Nông nghiệp Saint Vincent và Grenadines, cảnh báo về khả năng thiếu hụt lương thực sau khi 50% sản lượng quả nông sản một số thực phẩm chính của đất nước bị phá hủy, cùng với thiệt hại đáng kể đối với các loại rau củ khác.
Mất điện lan rộng khắp Jamaica và một số con đường gần bờ biển bị sạt lở. Tính đến tối ngày 3/7, tâm của cơn bão nằm cách khu vực Kingston khoảng 161 km về phía Tây, Trung tâm Cảnh báo Bão Quốc gia Mỹ (NHC) dự báo cơn bão đang hướng về Quần đảo Cayman, dự kiến sẽ đổ bộ vào tối ngày 4/7. Cơn bão Beryl đang duy trì sức gió tối đa là 209 km/giờ.
Theo NHC, sức gió dự báo sẽ yếu đi trong một hoặc hai ngày tới. Cơn bão Beryl vẫn mạnh khi đi qua Quần đảo Cayman.
Dự báo bão sẽ đổ lượng mưa 10-15 cm xuống Quần đảo Cayman trong đêm và đến thứ Năm (4/7). NHC cho biết sóng lớn sẽ nguy hiểm đến tính mạng người dân.
Trung tâm cũng cho biết thêm rằng bão sẽ gây ảnh hưởng đến bờ biển phía Đông bán đảo Yucatan của Mexico, bao gồm cả khu nghỉ mát bãi biển hàng đầu của Cancun, Mexico.
Tổng số người chết được xác nhận cho đến nay bao gồm ít nhất ba người ở St. Vincent và Grenadines, một quan chức cấp cao nói với truyền thông.
Đảo Union của St. Vincent và Grenadines đã bị tàn phá nghiêm trọng với hơn 90% công trình bị hư hại.