Bài 1: Sống khổ bên dòng sông đang chết
Nước sông đen ngòm, bốc mùi hôi thối… là phản ánh của người dân sống trên nhiều đoạn sông Nhuệ trên địa bàn Hà Nội. Điều đáng nói, nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm là do nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp chưa qua xử lý của hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Ông Lý Văn Thắng - người có hàng chục năm nhận khoán vớt rác sông Nhuệ đã phải bỏ nghề vì không chịu nổi sự ô nhiễm. Ảnh: Thương Huế |
“Ngày đó, sông Nhuệ vẫn đầy tôm cá. Chúng tôi sống nhờ sông, từ nước sinh hoạt hàng ngày đến nguồn thức ăn bắt được từ sông. Ngày Hè, không chỉ trẻ con mà cả người lớn cũng ào ra sông tắm. Giờ thì cách xa sông chục mét vẫn sực mùi hôi thối. Dân ở đây sống lâu cùng đành phải chấp nhận sống chung với ô nhiễm” – ông Mai chia sẻ.
Lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy có diện tích 7.665km2, chiếm 10% diện tích toàn lưu vực sông Hồng, thuộc địa phận của 5 tỉnh, TP: Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy trên địa TP Hà Nội được thực hiện tại 25 quận, huyện, thị xã. |
Không ngần ngại, ông Mai dẫn chúng tôi ra nơi cống nước thải của cả khu đổ ra sông Nhuệ, dòng nước đen ngòm nối vào nhau, mùi bốc lên hôi thối, khó chịu. Ông bảo, trước kia sông còn được nạo vét, nước sông Hồng đổ vào qua cống Liên Mạc – Chèm nên nồng độ ô nhiễm của sông Nhuệ được pha loãng. “Giờ nước thải sinh hoạt xả trực tiếp ra môi trường cũng đã góp phần tạo nên ô nhiễm, chưa kể nước thải của làng nghề, cơ sở sản xuất nhỏ, nhà máy…” – ông Mai cho biết.Cũng tâm tư như ông Mai, chị Liên (Tổ 11, phường Mộ Lao, nhà nằm ngay rẻo bên cạnh sông) cho biết, cửa phía sau nhà chị phải đóng quanh năm mà vẫn “hưởng” trọn mùi của sông Nhuệ bốc lên, nhất là vào mùa Hè, giao mùa hay dịp thời tiết hanh khô tháng 11, 12. Có những lần mưa bão, cả gia đình phải tổng lực cùng nhau dọn vệ sinh sông - đoạn sau nhà vì động vật chết, rác rưởi các nơi đổ về mắc vào những cành cây, gây ô uế.
“Nhiều khi muốn bán nhà để chuyển đi nhưng bán không ai mua. Bán rẻ quá thì không đủ tiền mua nơi khác nên phải chấp nhận. Họp tổ dân phố cũng có đề cập nhiều đến việc này nhưng không giải quyết được gì vì ô nhiễm sông là do cả hệ thống, đâu có phải chỉ riêng địa bàn phường” - chị Liên rầu rĩ.
Cách trạm bơm cống Liên Mạc chừng 200m, rác thải sinh hoạt tuồn bừa bãi xuống sông Nhuệ |
Trong những năm qua, Hà Nội luôn tăng cường thanh - kiểm tra, xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước. Năm 2017, thanh - kiểm tra tại 2.161 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 588 cơ sở với tổng số tiền phạt là 16.515.844.925 đồng. |
Khi sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu hợp lưu và đổ vào sông Nhuệ tại đập Thanh Liệt, sông Nhuệ phải tiếp nhận thêm một khối lượng lớn nước thải sinh hoạt, cũng như nước thải công nghiệp, làm cho hàm lượng các chất ô nhiễm tăng đột ngột. Đoạn sông từ đập Thanh Liệt trở đi, nước sông Nhuệ - sông Đáy ô nhiễm nặng, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của dân cư hai bên bờ sông. (còn nữa)