Báo động thời tiết cực đoan tại châu Âu, nắng nóng bất thường giữa mùa Đông

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thay vì giá rét, thời tiết ở châu Âu đang ấm áp bất thường, nhiệt độ ở nhiều nước tương đương với mùa Hè.

Nhiệt độ cao kỷ lục trong tháng 1

Ít nhất 8 quốc gia châu Âu gồm Liechtenstein, Ba Lan, Đan Mạch, Cộng hòa Czech, Hà Lan, Belarus, Lithuania và Latvia đã ghi nhận nhiệt độ cao chưa từng thấy trong tháng 1. Nhiệt độ cũng cao kỷ lục ở Pháp, Đức và Ukraine.

Nhiều nước châu Âu ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục trong những ngày đầu tháng 1. Ảnh: Euronews
Nhiều nước châu Âu ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục trong những ngày đầu tháng 1. Ảnh: Euronews

Theo CNBC, thủ đô Warsaw của Ba Lan đã ghi nhận nhiệt độ 18,9 độ C (66 độ F) vào ngày 1/1 - cao hơn 5 độ C so với kỷ lục trước đó được thiết lập cách đây 30 năm. Thành phố phía Bắc Tây Ban Nha Bilbao lên tới 24,9 độ C trong ngày đầu Năm mới, còn Thụy Sĩ ghi nhận 20 độ C vào ngày 1/1, tương đương nhiệt độ trung bình trong mùa hè.

Mùa Đông nóng kỷ lục ở châu Âu đã nối tiếp mùa Hè nóng nhất từng được ghi nhận ở khu vực này và hoàn toàn trái ngược với đợt lạnh khắc nghiệt ở Mỹ trong những tuần gần đây.

Scott Duncan, nhà khí tượng học người Scotland viết trên Twitter hôm 3/1: “Chúng tôi vừa quan sát thấy ngày nóng nhất trong tháng 1 được ghi nhận tại nhiều quốc gia ở châu Âu. Thực sự bất thường chưa từng có”. Theo chuyên gia này, cường độ và mức độ ấm áp trên toàn khu vực là “không thể hiểu được”.

Trong khi đó, nhận định với tờ Washington Post hôm 2/1, ông Maximiliano Herrera, nhà khí hậu học chuyên theo dõi các hiện tượng thời tiết cực đoan trên toàn cầu đã mô tả đó là “sự kiện khắc nghiệt nhất từng thấy trong khí hậu học châu Âu”.

Báo động hiện tượng thời tiết cực đoan

Các nhà khí tượng học và khí hậu học cũng bày tỏ sự báo động về thời tiết mùa Đông ấm áp bất thường tại châu Âu, đồng thời nói rằng có "quá nhiều kỷ lục" và nhiều nhiệt độ tối thiểu qua đêm tương đương với mùa Hè.

Ông Alex Burkill, nhà khí tượng học cấp cao tại Cơ quan thời tiết quốc gia Vương quốc Anh (MET), nói rằng đây là hiện tượng thời tiết cực đoan. "Nhiệt độ cao cực đoan đang lan ra trên một vùng rộng lớn. Thành thật mà nói, điều này chưa từng xảy ra," chuyên gia Burkill cho hay.

Theo ông, một khối không khí ấm phát triển ngoài khơi bờ biển phía Tây châu Phi đã di chuyển về phía Đông Bắc qua châu Âu từ Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, bị áp suất cao trên Địa Trung Hải kéo vào. "Khối không khí này đã lan rộng sang Đan Mạch, Czech và gần như toàn bộ nước Đức, khiến các khu vực này chứng kiến nhiệt độ trong tháng 1 vượt quá mức kỷ lục. Đáng chú ý, chúng tôi cũng ghi nhận thời tiết ấm áp bất thường tại miền Nam nước Anh. Trong đêm Giao thừa, tôi nghĩ có khoảng 7 địa phương ở Anh ghi nhận mức nhiệt ấm nhất lịch sử," ông Burkill nói.

Phát biểu với tờ Guardian, nhà khí tượng học Scott Duncan cho rằng rất khó xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng thời tiết ấm áp bất thường hiện nay. Trong đó, La Nina, hiện tượng nhiệt độ trên bề mặt biển giảm, có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này. "Tuy nhiên, không có nguyên nhân nào mới mẻ. Vậy điều gì đã khiến tình trạng nhiệt độ tăng kỷ lục? Bầu không khí và các đại dương ấm lên đang khiến những kỷ lục dễ bị phá vỡ hơn," chuyên gia này nhấn mạnh.

Các chuyên gia khí hậu đều cảnh báo những đợt nắng nóng dị thường này sẽ trở nên phổ biến hơn và cực đoan hơn do sự nóng lên toàn cầu.

Trước đó, hồi tháng 4/2021, các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã cảnh báo cuộc chiến giữ nhiệt độ toàn cầu dưới ngưỡng tới hạn 1,5 độ C đã đạt đến giới hạn “bây giờ hoặc không bao giờ”.