Nhiều nước châu Âu, đang chứng kiến đợt nóng kỷ lục, được các nhà khoa học giải thích bởi các yếu tố hệ thống áp suất cận nhiệt đới lan về phía bắc, gió thổi khí nóng từ sa mạc Sahara và Bắc Phi lên, và biến đổi khí hậu.
Theo nghiên cứu lớn được công bố trên tạp chí khoa học Environmental Research ngày 28/6, hiện tại nguy cơ xảy ra một đợt nắng nóng gay gắt cao gấp 3 lần và mức nhiệt độ đỉnh điểm cao hơn khoảng 1 độ C so với thời kỳ chưa ghi nhận tình trạng biến đổi khí hậu.
"Biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng trở nên nóng hơn và kéo dài hơn trên khắp thế giới. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng nhiều đợt nắng nóng đặc biệt dữ dội hơn do sự thay đổi khí hậu do con người gây ra," bà Vikki Thompson - nhà khoa học khí hậu tại Viện Cabot của Đại học Bristol - giải thích trên tạp chí Sciencemedia
Ngày 17/7, khu vực Tây Nam châu Âu trải qua ngày thứ bảy của đợt nắng nóng kinh hoàng khi các khu vực của lục địa này chuẩn bị cho các kỷ lục nhiệt độ mới vào đầu tuần này. Nắng nóng sẽ lên đến đỉnh điểm trong hai ngày thứ Hai (18/7) và thứ Ba (19/7), với nhiệt độ tại nhiều nơi, đặc biệt miền Tây nước Pháp, có thể lên tới 42-43 độ C.
Đợt nắng nóng hiện nay tại Pháp đã kéo dài từ ngày 12/7 và dự kiến đến cuối tuần này mới kết thúc. Đây là một trong đợt nắng nóng gay gắt nhất tại Pháp trong nhiều năm qua và là đợt nắng nóng thứ hai trong vòng 1 tháng gần đây.
Hơn 1.000 người đã chết trong đợt nắng nóng kinh hoàng kéo dài trong vòng gần 1 tuần qua tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Nhiệt độ ở Tây Ban Nha đã lên tới 45,7 độ C trong ngày 15/7. Theo số liệu của Viện Y tế Carlos III, tính đến ngày 16/7 đã có ít nhất 360 trường hợp tử vong do nắng nóng kỷ lục tại Tây Ban Nha. Cơ quan dự báo thời tiết của Tây Ban Nha cho biết đợt nắng nóng sẽ kết thúc vào đầu tuần này, song cảnh báo nhiệt độ sẽ vẫn "cao bất thường".
Ở nước láng giềng Bồ Đào Nha, đã có tổng cộng 659 trường hợp tử vong được báo cáo trong khoảng thời gian từ ngày 7 đến ngày 13/7. Riêng trong ngày 14/7 nước này ghi nhận con số kỷ lục 440 người chết khi nhiệt độ tại một số khu vực vượt ngưỡng 40 độ C và lên tới 47 độ C tại quận Vizeu. Những trường hợp tử vong này được cho là do nhiệt độ quá cao. Các nạn nhân trong hầu hết các trường hợp là những người đã suy yếu vì tuổi già hoặc bệnh tật trước đó.
Trong khi đó, tại Anh, theo dự báo của cơ quan khí tượng, lần đầu tiên nước Anh sẽ ghi nhận mức nhiệt độ trên 40 độ C trong 2 ngày đầu tuần, buộc chính phủ Anh lần đầu tiên trong lịch sử phải đưa ra cảnh báo “đỏ” về nắng nóng tại quốc đảo này.
Tình trạng nắng nóng gay gắt kéo dài không chỉ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân mà còn đang gây ra những vụ cháy rừng nghiêm trọng tại Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hy Lạp.
Giới chức Pháp hôm 17/7 cho biết, các đám cháy lớn tại tỉnh Gironde, vùng Nouvelle-Aquitaine phía Tây Nam nước này đã kéo dài nhiều ngày và vẫn chưa được kiểm soát. Hơn 11.000 ha rừng đã bị đốt trụi và trên 14.000 người đã phải bỏ nhà cửa đi sơ tán do ngọn lửa lan rộng.
Pháp đã ban hành cảnh báo đỏ - mức cao nhất, tại một số khu vực do cháy rừng lan rộng. Hơn 1.200 nhân viên cứu hỏa đang cố gắng kiểm soát kiểm soát hai vụ cháy rừng kể từ ngày 12/7. “Đây là công việc của Hercules” - Trung tá Olivier Chavatte từ cơ quan cứu hỏa và cứu hộ, nơi có 1.200 lính cứu hỏa và 5 máy bay đang hoạt động, cho biết. Lệnh sơ tán tiếp theo đã được đưa ra vào ngày 16/7 cho vài trăm cư dân.
Ở Hy Lạp, lực lượng phòng vệ dân sự đang khẩn trương dập tắt ngọn lửa hoành hành trên đảo Crete ở Địa Trung Hải. Trong khi đó, các đám cháy bắt đầu bùng phát tại Italia trong những ngày gần đây, và nhiệt độ tại một số khu vực được dự báo sẽ tăng lên hơn 40 độ C trong những ngày tới.
Tại Bồ Đào Nha, khoảng 1.000 nhân viên cứu hỏa đang phải nỗ lực dập tắt 13 đám cháy rừng ở phía bắc nước này, trong đó vụ cháy nghiêm trọng nhất bùng phát ở gần thành phố Chaves.