Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo Đức tiết lộ tin sốc về nghi phạm phá hoại đường ống Nord Stream

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo tờ Der Spiegel của Đức, một thợ lặn người Ukraine bị cáo buộc đứng sau vụ nổ đường ống Nord Stream đã sử dụng xe ngoại giao của chính quyền Kiev để bỏ trốn khỏi Ba Lan.

Rò rỉ khí đốt sau vụ nổ Nord Stream 2 ngày 27/9/2022. Ảnh: Bộ Quốc phòng Đan Mạch
Rò rỉ khí đốt sau vụ nổ Nord Stream 2 ngày 27/9/2022. Ảnh: Bộ Quốc phòng Đan Mạch

Tờ Der Spiegel ngày 29/8 đưa tin, nghi phạm "Vladimir Z" vụ phá hoại tuyến đường ống vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức đã trốn thoát khỏi lệnh bắt giữ của Đức với sự giúp đỡ của Ukraine và có thể là Ba Lan.

Các đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 chạy dưới Biển Baltic đã bị hư hại trong một loạt vụ nổ vào tháng 9/2022. Không ai nhận trách nhiệm về các vụ nổ, nhưng một số hãng truyền thông ở phương Tây cáo buộc rằng vụ phá hoại do nhóm công dân Ukraine thực hiện.

Đầu tháng này, các hãng truyền thông Đức đưa tin, Berlin ban hành lệnh bắt giữ đối với “Vladimir Z”, một cựu thợ lặn quân sự Ukraine mà họ cáo buộc đã đặt chất nổ trên đường ống Nord Stream. Các hãng truyền thông Nga xác định nghi phạm là Vladimir Zhuravlev.

Theo một cuộc điều tra được tờ Der Spiegel công bố hôm 29/8, nghi phạm Zhuravlev thực sự đã ở Đức vào tháng 5 và ở Ba Lan vào thời điểm lệnh bắt giữ được ban hành.

Tuy nhiên, các quan chức Ba Lan không làm gì để bắt giữ Zhuravlev và người này có thể đã vượt biên vào Ukraine hôm 6/7 trên một chiếc xe của Đại sứ quán Ukraine tại Warsaw.

"Tại sao chúng ta phải bắt giữ ông Zhuravlev? Đối với chúng ta, ông ấy là một anh hùng!" - tờ Der Spiegel trích lời các quan chức an ninh Đức diễn giải lại tuyên bố của giới chức Ba Lan.

Tờ Der Spiegel lưu ý thêm, Zhuravlev và gia đình người này nhập cảnh Đức vào tháng 5, sau đó di chuyển đến Đan Mạch và ở tại một căn hộ thuộc quận Bryggen Syd (Copenhagen). Vào ngày 26/5, gia đình nghi phạm Zhuravlev đi phà đến Rostock và dừng lại ở Berlin, trên đường trở về Warsaw.

Zhuravlev đã nằm trong tầm ngắm của Đức, nhưng chính quyền Berlin vẫn chưa ban hành lệnh bắt giữ. Phải đến ngày 21/6, lệnh bắt giữ nghi phạm này của châu Âu do Đức đệ trình mới được chuyển đến Ba Lan. Tuy nhiên, chính quyền Warsaw đã không làm gì cả.

Nghi phạm Zhuravlev đã trốn khỏi Ba Lan vào ngày 6/7, vượt biên giới vào Ukraine tại Korczowa lúc 6h20 sáng. Các nguồn tin an ninh nói với tờ Der Spiegel rằng ông ta ở trong một chiếc xe có biển số ngoại giao, được Đại sứ quán Ukraine tại Warsaw sử dụng.

Các nguồn tin an ninh Đức tiết lộ với tờ Der Spiegel rằng nước này "rất tức giận" với Ba Lan và sẽ không quên "hành vi gian dối" của Warsaw.

Trong bình luận mới nhất về vụ phá hoại đường ống Nord Stream, cựu giám đốc tình báo Đức August Hanning tuyên bố vào đầu tháng này rằng Ba Lan và Ukraine có thể đã hợp tác với nhau. Đáp trả các cáo buộc trên, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã yêu cầu tất cả "những người khởi xướng và bảo trợ" của đường ống khí đốt Nord Stream "xin lỗi và giữ im lặng".

Theo đài RT, các bài viết về một nhóm người Ukraine làm việc trên du thuyền thuê - có hoặc không có sự chấp thuận của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - chịu trách nhiệm cho vụ phá hoại Nord Stream chỉ xuất hiện sau khi nhà báo Mỹ Seymour Hersh tuyên bố rằng chính quyền Washington liên quan đến các vụ nổ.

Về phần mình, Moscow cũng cáo buộc Washington đứng sau vụ phá hoại Nord Stream, lập luận rằng Mỹ là bên hưởng lợi lớn nhất từ ​​việc gián đoạn nguồn cung khí đốt Nga cho Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, Ukraine vẫn khẳng định Nga đã cho nổ tung đường ống của chính mình.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình trong nước hôm 19/8, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, do cơ sở hạ tầng của Nord Stream bị phá hủy, châu Âu sẽ mất đi nguồn nhiên liệu giá rẻ và "cơ sở bền vững cho phát triển kinh tế".