Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo hiểm xã hội tích cực triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã nỗ lực trong việc cải cách chính sách BHXH; tinh gọn, hiện đại hóa bộ máy và nâng cao chất lượng phục vụ, nhằm thay đổi nhận thức của người dân về chính sách BHXH, hướng tới dịch vụ thân thiện hơn với người dân. Đây là tiền đề quan trọng phấn đấu đạt mục tiêu BHXH toàn dân.

 Cải cách TTHC tạo thuận lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện (Ảnh minh họa)
Giảm thiểu thời gian, chi phí cho người dân tham gia BHXH
Theo bà Đinh Thị Thu Hiền - Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), trong năm 2019 BHXH đã giảm 58 cơ quan BHXH TP, thị xã trực thuộc cấp tỉnh; giảm 65 đầu mối phòng, nghiệp vụ của BHXH cấp tỉnh. “Trong thời gian tới sẽ xem xét, sắp xếp điều chỉnh để tiến hành tinh giảm đầu mới BHXH ở T.Ư. Phấn đấu đến năm 2021, chúng tôi sẽ giảm được tối thiểu 10% số lượng cán bộ thuộc hệ thống ngành”- bà Hiền chia sẻ.
Ngoài ra, BHXH đã xây dựng nhiều quy trình thuận tiện cho người lao động đồng thời tiến hành cắt giảm các thủ tục hành chính. Hiện, chỉ còn tổng 28 thủ tục hành chính cho toàn bộ các lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Điều này đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí và thời gian cho người dân khi giao tiếp với cơ quan BHXH.
Chia sẻ về phương thức thực hiện, bà Hiền cho biết: BHXH tích cực ứng dụng CNTT trong quản lý, bằng việc liên thông cơ sở dữ liệu giữa các tỉnh. Người dân chỉ cần đến làm việc tại cơ quan BHXH gần nhất mà vẫn truy xuất được dữ liệu của mình. Chúng tôi còn đẩy mạnh giao dịch điện tử trong các thủ tục hành chính nhằm giảm thiểu thời gian, thuận tiện cho người dân và đơn vị khi giao tiếp với cơ quan BHXH. Bên cạnh đó, áp dụng phương thức chi trả linh hoạt. Người thụ hưởng BHXH có thể lựa chọn nhận tiền mặt tại cơ quan BHXH, hay qua tài khoản ngân hàng, hoặc qua người sử dụng lao động mới.
Hơn 14,7 triệu người tham gia BHXH bắt buộc
Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, sau hơn 01 năm thực hiện Nghị quyết số 28 NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH, và Nghị quyết số 125/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện không ngừng tăng cao. Tính đến tháng 9/2019, số người tham gia BHXH là hơn 15,2 triệu người, trong đó người tham gia BHXH bắt buộc hơn 14,7 triệu người, tăng hơn 2,2% so với 2018; BHXH tự nguyện hơn 463 nghìn người, tăng 6,7%.
BHXH Việt Nam luôn bám sát, chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành đưa Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Trung ương vào cuộc sống. Đặc biệt, hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân, BHXH Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển đối tượng tham gia. Phấn đấu giảm thời gian nộp hồ sơ và tiền đóng BHXH tự nguyện, BHYT từ đại lý về cơ quan BHXH để kịp thời cấp sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân, ngày 20/8/2019 BHXH Việt Nam đã ban hành công văn số 3046/BHXH-BT về việc thực hiện thu BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng qua nhà trường và đại lý thu.
Theo đó, trước 16h00 hằng ngày, tất cả các đại lý thu nộp thủ tục của người tham gia BHXH, BHYT bằng hình thức giao dịch điện tử và tiền đóng BHXH, BHYT trong ngày cho cơ quan Bưu điện trên địa bàn. Cơ quan Bưu điện có trách nhiệm cập nhật nội dung của người tham gia BHXH, BHYT vào phần mềm quản lý thu, nộp toàn bộ hồ sơ của người tham gia BHXH, BHYT và tiền đóng BHXH, BHYT cho cơ quan BHXH.
Cơ quan BHXH cấp sổ BHXH, thẻ BHYT chuyển cơ quan Bưu điện. Trong 3 ngày kể từ ngày nhận sổ BHXH, thẻ BHYT từ cơ quan BHXH, cơ quan Bưu điện có trách nhiệm trả tận tay cho người tham gia BHXH, BHYT. Quy trình này sẽ giảm đáng kể thời gian cho các đại lý thu trong việc nộp hồ sơ và tiền đóng của người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng cho cơ quan BHXH; bảo đảm việc cấp sổ BHXH, thẻ BHYT được kịp thời, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia và thụ hưởng chính sách.