Theo Nikkei, Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng dương ổn định trong khi các nền kinh tế khác đang vật lộn để phục hồi. Tờ báo trích dẫn số liệu GDP thực tế của Việt Nam trong quý III/2020, đã tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu quý tăng trưởng thứ 2 liên tiếp trong bối cảnh đại dịch.Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trước đó cũng dự báo, Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng GDP các nền kinh tế thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm nay, sau khi vượt qua Singapore, Malaysia và Philippines.Nổi bật hơn cả là việc Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát Covid-19, thúc đẩy xuất khẩu tăng trở lại, góp phần vào tăng trưởng chung của quốc gia, trong bối cảnh các DN quốc tế có xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng thay vì chỉ tập trung vào Trung Quốc như trước. Kết quả, xuất khẩu của Việt Nam tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái lên 26,7 tỷ USD, dự kiến mức tăng cả năm từ 3 - 4%.Nikkei đặc biệt lưu ý về sự kiện một tàu container siêu lớn do Maersk điều hành đã cập cảng Cái Mép, Vũng Tàu, hồi cuối tháng 10 vừa qua, là chuyến đầu tiên cập cảng lớn nhất khu vực miền Nam Việt Nam.Trong khi các tàu như vậy trước đây thường lựa chọn các cảng khác trong khu vực, chẳng hạn như Singapore, thì xuất khẩu ngày càng tăng của Việt Nam hiện nay đã thúc đẩy nhu cầu vận tải biển, đủ để khiến các tàu trên hành trình tới các nước phương Tây phải dừng lại tại đây.Điều này được đánh giá sẽ cho phép hàng hóa Việt Nam được vận chuyển trực tiếp hơn đến người mua, giảm chi phí trung gian, rút ngắn thời gian vận chuyển, và làm cho quốc gia này trở nên cạnh tranh hơn với tư cách là một nhà xuất khẩu.GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện ở mức khoảng 3.500 USD, vẫn thấp hơn nhiều so với mức 58.500 USD của Singapore và 10.200 USD của Malaysia. Tuy nhiên Nikkei cho rằng đại dịch đang thúc đẩy sự thay đổi trật tự kinh tế của khu vực.Dự báo GDP cả năm 2020 mới nhất của IMF cho thấy, Việt Nam vẫn sẽ ghi nhận mức tăng 1,6%, trong khi Singapore và Malaysia giảm 6%, hay Thái Lan giảm tới 7,1%.Mặc dù một số nước ASEAN khác được dự đoán sẽ phục hồi mạnh trong năm tới, nhưng Việt Nam có thể vẫn là nền kinh tế duy nhất có mức tăng trưởng vào nửa đầu năm 2021, tùy thuộc vào diễn biến của đợt bùng phát, cùng định hướng kế hoạch cho 5 năm tới của Chính phủ - sẽ được quyết định đại hội Đảng toàn quốc vào tháng 1/2021 - ảnh hưởng đáng kể đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong dài hạn.