Tay không chọn hiện vật
Gặp Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Thị Kim Hoa trước ngày khai trương trưng bày Bảo tàng, thấy bà tất bật, tỉ mỉ từng vị trí trưng bày… để thấy sự vất vả của bộ phận thực hiện dự án Bảo tàng Báo chí Việt Nam suốt 6 năm qua.
Ngày 21/8/2014, đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt. Bảo tàng Báo chí Việt Nam được đưa vào quy hoạch thuộc hệ thống Bảo tàng Quốc gia đến năm 2020 để kể câu chuyện báo chí cách mạng Việt Nam ra đời trải qua bao thời kỳ thăng trầm, có bề dày về lịch sử và với nhiều đóng góp to lớn. Thế nhưng, sau đề án, bảo tàng về ngành báo chí chưa có tên. Đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ đề án gọi là Ban quản lý đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Để gấp rút thực hiện mong mỏi của các nhà báo lão thành, của những người tâm huyết với nghề báo là xây dựng một nơi để lưu giữ, tái dựng bức tranh toàn cảnh về báo chí cách mạng Việt Nam, ngay sau khi đề án được phê duyệt, Ban quản lý lúc đó có 3 người đã nhanh chóng lăn như con thoi, đến gặp từng nhà báo lão thành. “Khi đến nơi, người mất, người còn nhưng với sự giúp đỡ của các thành viên trong gia đình các nhà báo lão thành, chúng tôi dần lần mò ra nhiều hiện vật giá trị” - bà Trần Thị Kim Hoa nhớ lại.
Tái dựng chiếc loa truyền thanh đặt sát bờ sông Bến Hải (tỉnh Quảng Trị) - một phương tiện truyền thông góp phần tạo nên thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước. |
Bà Hoa nhớ nhất lần công tác đầu tiên của Ban quản lý tại TP Hồ Chí Minh chỉ trong vòng 1 tuần nhưng bà và những cộng sự của mình đã đến gõ cửa từng nhà, từng cơ quan để tìm kiếm các hiện vật liên quan đến báo chí cách mạng và thời kỳ trước năm 1945. “Khi chúng tôi đến, trao đổi mong muốn, nhiều nhà báo hoặc thân nhân của họ còn e dè, vì đó là kỷ vật cá nhân họ muốn lưu giữ. Chưa kể, khái niệm về bảo tàng báo chí còn quá mới mẻ. Tuy nhiên, khi cuốn sổ ghi cảm tưởng của giảng viên, khách mời trường dạy báo Huỳnh Thúc Kháng, chiếc võng nhà báo nơi chiến trường, bộ hồ sơ nhà tù Côn Đảo… cùng 2.000 hiện vật khác được sưu tập, cho lên bục tủ trưng bày ngay tại một bảo tàng của TP Hồ Chí Minh thì chúng tôi đã hoàn toàn thuyết phục được các nhà báo và thân nhân các nhà báo về việc hiến tặng hiện vật cho bảo tàng” - bà Trần Thị Kim Hoa bày tỏ.
Năm 2014 khi đề án được phê duyệt nhưng kinh phí cho các hoạt động nghiệp vụ, sưu tầm còn chưa có. Đây là thời gian đi làm bảo tàng không tiền của đội ngũ Ban quản lý. Tháng 8/2017, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Lúc này, Bảo tàng chính thức có tên, nguồn kinh phí cho việc thực hiện dự án cũng được phê duyệt với mức đầu tư 24 tỷ đồng.
So với hệ thống nhiều bảo tàng có nguồn kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ, thậm chí nghìn tỷ đồng thì con số này cũng là còn quá khiêm tốn với một bảo tàng ngành. Tuy nhiên, những người tâm huyết với dự án trưng bày Bảo tàng Báo chí Việt Nam vẫn sẵn sàng làm nên một bảo tàng xứng tầm với lịch sử vẻ vang của nền báo chí nước nhà, một nền báo chí cách mạng nhân văn, tiến bộ. Đó là việc đi từ việc tạo dấu ấn trong các trưng bày chuyên đề trong từng sự kiện như: “Một thế kỷ đề tài nữ, tác giả nữ trên báo chí Việt Nam”, triển lãm chuyên đề về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng nhân kỷ niệm 70 năm ra đời của trường (4/4/1949 - 4/4/2019)… “Với tinh thần làm bảo tàng của người làm báo, chúng tôi lấy tiêu chí sự kiện là vấn đề đi đầu trong nội dung trưng bày và triển lãm” - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Thị Kim Hoa cho biết.
Không gian trưng bày báo chí Việt Nam giai đoạn 1925 - 1945 với nhiều hiện vật là các tờ báo Việt được xuất bản ở nước ngoài. |
Một số điểm nhấn quan trọng trong các không gian trưng bày có thể kể đến Hình tượng Bút sen ở gian Khánh tiết, Bục kim cương ở gian 1865 - 1925, Báo chí Chiến khu gian 1945 - 1954; ba chủ đề trung tâm gian Báo chí đổi mới hoặc Khu vực trải nghiệm các loại hình báo điện tử, báo in, báo nói, báo hình; Khu vực Tưởng niệm các nhà báo đã ngã xuống vì Tổ quốc và Nhân dân, vì Sự nghiệp báo chí Việt Nam...
Nhà báo Lê Quốc Trung - nguyên Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, cố vấn Bảo tàng chia sẻ: “Trong không gian trưng bày, Bảo tàng cũng phục dựng buồng tối của Báo ảnh Việt Nam (Thông tấn xã Việt Nam). Hiện vật của người làm trong buồng tối thời kỳ chiến tranh trước những năm 1975 được thu thập đầy đủ, một kỹ thuật viên từng làm buồng tối đã giúp bày biện lại đúng theo những gì đã có”. Khu vực làm báo dưới hầm của báo Nhân Dân cũng được tạo dựng nhằm phản ánh không khí làm báo trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, bất chấp Thủ đô bị bom đạn đe dọa, tòa soạn đặc biệt này vẫn “không một ngày ngừng xuất bản”.
Khu trưng bày báo chí TP Hà Nội tại Bảo tàng. |
Với cách thức trưng bày bắt mắt, áp dụng công nghệ hiện đại, các chuyên gia đánh giá Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ là một địa chỉ văn hóa tin cậy không chỉ dành cho những người làm báo mà cả công chúng ngoài ngành.