Giải pháp trên được các chuyên gia đưa ra tại Toạ đàm “Hoạt động giáo dục bảo tàng - kết nối cộng đồng” do Bảo tàng Hà Nội vừa tổ chức.
Công tác giáo dục tại bảo tàng Hà Nội. Video: Bảo tàng Hà Nội
Để bảo tàng “bắt trend”
Những năm gần đây, các bảo tàng đang đẩy mạnh hoạt động giáo dục, trải nghiệm cho các đối tượng, nhất là học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, khách tham quan, trải nghiệm đến với bảo tàng rất đa dạng, với nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp, mục đích khác nhau. Vì vậy, các bảo tàng luôn trăn trở xây dựng nội dung chương trình giáo dục phù hợp cho các đối tượng.
Theo Đạo diễn, Nhà sản xuất, MC truyền hình Ninh Quang Trường, đội ngũ nhân sự tại các bảo tàng có chuyên môn, nghiệp vụ tốt về trưng bày, nghiên cứu… nhưng để xuất ra một chương trình, sản phẩm thu hút sự quan tâm, tìm đến của du khách rất khó với nhân sự sẵn có.
Để làm được, bảo tàng cần có những ê-kíp sản xuất phải nghiên cứu hàng ngày, hàng tuần để tìm ra “trend”, sáng tạo sản phẩm để thu hút du khách. Trong khi đó, các bảo tàng rất kho để “nuôi” một ê-kip sản xuất chương trình riêng.
Mặc dù đã hiểu rõ những điều đó, một câu hỏi quan trọng lại được đặt ra rằng, hiện nay các bảo tàng đã thực sự sẵn sàng tham gia vào quá trình giáo dục hay chưa? Đây là một vấn đề đáng suy ngẫm để các bảo tàng có thể phát huy “trọn vẹn” vai trò của mình trong việc tổ chức những hoạt động trải nghiệm giáo dục toàn diện.
Đồng quan điểm này, cán bộ giáo dục của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Lê Thị Liên cho biết: "Giá trị của bảo tàng không chỉ nằm ở những hiện vật trưng bày trong tủ kính, mà còn thể hiện ở trách nhiệm của những người làm bảo tàng và giáo dục, đó là làm sao để công chúng có thể cảm nhận, hiểu và lưu giữ ấn tượng tốt về di sản.
Để đạt được điều này, cần phải nhìn từ góc độ của công chúng, từ đó đa dạng hóa các hoạt động giáo dục và trải nghiệm. Thêm vào đó, chúng ta cần kết nối với các đơn vị, tổ chức, và DN có liên quan để đưa vai trò của bảo tàng đến gần hơn với công chúng”.
Đa dạng cách tiếp cận
Để thu hút du khách đến bào tàng, ứng dụng công nghệ số vào giáo dục di sản văn hóa là xu thế tất yếu hiện nay. Theo PGS.TS Lê Thanh Hà - Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện nay có hai xu hướng công nghệ phù hợp: xu hướng công nghệ hỗ trợ khách tham quan tự hướng dẫn và xu hướng sử dụng thực tại tăng cường.
Theo ông, hiện nay hoàn toàn có thể áp dụng những xu hướng công nghệ trên để giúp các đơn vị bảo tàng đã dạng hoá sản phẩm. Ông Hà cũng nhấn mạnh, ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động giáo dục, trải nghiệm văn hóa sẽ giúp những người yếu thế trong việc tiếp cận bảo tàng có nhiều cơ hội tiếp cận hơn với các di sản văn hóa.
Tại Hà Nội, với lợi thế lưu giữ một kho tàng di sản quý giá trên 73.000 tài liệu, hiện vật gốc về lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội của Thủ đô ngàn năm văn hiến, với khuôn viên, không gian lớn, hiện đại có cây xanh tạo bóng mát, vườn hoa cây cỏ tạo lối đi, Bảo tàng Hà Nội đã xây dựng các hoạt động trải nghiệm giáo dục ở khuôn viên bảo tàng: các trò chơi dân gian, chợ Tết, rước trăng chơi phố dịp Trung thu... Trong đó, hoạt động “Rước trăng chơi phố” vào mỗi dịp Trung thu được duy trì tổ chức trong nhiều năm và đã nhận được sự quan tâm, phản hồi tích cực từ công chúng.
Nhờ phương châm “thời điểm nào nói câu chuyện gì”, với từ khóa “dành cho cả gia đình”, cùng thiết kế chương trình thú vị, độc đáo, Bảo tàng Hà Nội đã thu hút hơn 10.000 lượt khách đến tham quan dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Đạo diễn, Nhà sản xuất, MC truyền hình Ninh Quang Trường
Đồng thời, Bảo tàng Hà Nội còn nghiên cứu, tổ chức các hoạt động giáo dục gắn liền với di sản văn hóa phi vật thể, các hoạt động giáo dục văn hóa phi vật thể, nghệ nhân là người giữ vai trò quyết định trong sự thành công của công tác giáo dục cũng như bảo tồn di sản văn hóa. Bảo tàng Hà Nội thường xuyên tổ chức mời các nghệ nhân là những chủ thể của di sản tham gia trực tiếp vào việc giới thiệu, trình diễn như trình diễn các nghề thủ công truyền thống: làm Tò he, nón chuông, cốm Mễ Trì, làng gốm Bát Tràng… hay các tập quán xã hội và tín ngưỡng, các chương trình biểu diễn nghệ thuật như: múa rối nước Đào Thục, ca trù, hát xẩm… và còn rất nhiều hoạt động giáo dục ý nghĩa khác đã diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội.
Với phương châm cùng cộng đồng, chia sẻ khó khăn đối với người khuyết tật cùng xã hội giúp đỡ tạo thêm việc làm cho người khuyết tật, giúp họ hòa nhập một cách bình đẳng với cộng đồng. Trong những năm qua, Bảo tàng Hà Nội còn giành nhiều chương trình giáo dục có sự tham gia trực tiếp của những người khuyết tật với vai trò người hướng dẫn giáo dục trải nghiệm hoặc người hưởng thụ các hoạt động giáo dục của bảo tàng; trong đó phải kể đến Vụn, Kym Việt…