Trong số các di tích đó, Hà Nội có nhiều hiện vật có hình tượng rồng được công nhận là Bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại Hoàng thành Thăng Long.
Thềm rồng Điện Kính Thiên
Tháng 12 năm Mậu Thân (1428), vua Lê Lợi cho khởi dựng điện Kính Thiên, điện Cần Chánh và điện Vạn Thọ. Điện Kính Thiên làm nơi thiết triều. Bộ thành bậc Điện Kính Thiên với hình tượng rồng mang đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVII - XVIII được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Cặp thành bậc có cấu trúc và hoa văn trang trí hoàn toàn giống nhau gồm tượng rồng ở phần trên và các họa tiết trang trí ở mặt ngoài của thành bậc. Rồng được chạm trong tư thế vận động từ trên xuống dưới theo chiều dọc của thành bậc, đầu rồng ngẩng cao, trán dô tạo thành u, má nhỏ, mũi sư tử, mắt tròn, tai thú, miệng dài, lưỡi ngắn, nanh nhọn, miệng ngậm ngọc, sừng dài có nhánh, bờm có 4 dải lượn hất ngược về phía sau, thân tròn mập có vảy, uốn bảy khúc hình sin, bụng có vây.
Rồng có hai chân to khỏe, năm ngón chân chiều đốt, năm móng sắc nhọn. Chân trước vươn lên nắm râu, chân sau ở tư thế gấp khuỷu đạp mạnh kéo thân trườn về phía trước. Khuỷu có lông, lông dài, hình đao lửa chạy dài về phía sau. Bám sát thân là các cụm mây kéo dài hình đao, các đao mây chạm nổi uốn khúc, giữa có sóng nổi, đầu ngọn lửa thuôn dài chuyển hóa thành hình đao mác.
Mặt ngoài lan can hình tam giác có đường diềm chạm một nửa hình hoa liên tiền nối tiếp nhau, góc tạo bởi hai đầu cánh hoa chạm một nửa hình hoa cúc. Bên trong khung hình tam giác vuông, chạm đề tài cá hóa long trong đầm sen. Trong đầm còn có uyên ương bơi lội trên sóng nước, các cụm sóng có tạo nổi sóng bạc 3 ngọn. Nổi trên các con sóng là đồ án nụ - hoa - lá sen, trên đỉnh là cụm mây.
So sánh với lan can rồng phía trước thấy có sự chuyển biến lớn về hình khối lẫn chi tiết. Rồng vẫn uốn 7 khúc nhưng các khúc đuôi doãng hơn, đao lửa đã hình thành dạng đao mác gờ giữa nổi cao vát sang hai bên, mũi thuôn dài, đầu nhọn hơi tù. Đồ án cá hóa long, uyên ương, hoa sen và cụm mây chạm phẳng tạo độ nông sâu khác nhau, chồng lớp không giống như lan can đá phía trước.
PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam cho hay, thành bậc Điện Kính Thiên thời Lê Trung Hưng là hiện vật gốc, độc bản gắn với di tích điện Kính Thiên, di tích quan trọng đặc biệt của Di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Cặp rồng đá gần 300 tuổi
Ngày 18/1/2024, tại Quyết định số 73/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định công nhận bảo vật quốc gia (đợt 12), trong đó có hiện vật cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa) thời Lê Trung Hưng, hiện đang được lưu giữ tại Khu di tích Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP Hà Nội).
Bộ thành bậc bằng đá được đặt trước nghi môn ngoại, đền Cổ Loa hay còn được gọi là đền Thượng, đền thờ vua An Dương Vương, "Chính pháp điện", tọa lạc trên một khu đất cao, thuộc góc Tây Nam thành Nội.
Đôi rồng được chạm trên một khối đá nguyên. Hai bên thành bậc có cấu trúc và hoa văn trang trí tương đối giống nhau. Đề tài chủ đạo là hình rồng được chạm ở tư thế vận động từ trên xuống dưới theo chiều dọc của thành bậc. Đầu rồng ngẩng cao, trán dô, tạo thành u, má hóp, mũi sư tử, mắt tròn, tai thú, đôi sừng có nhánh dài, chạm tới cả khúc thân thứ nhất; miệng rộng, ngậm ngọc, lưỡi ngắn, nanh nhọn, viền xung quanh hàm rồng dưới trang trí họa tiết dải mây xoắn nhỏ, râu mép uốn lượn trải dài từ mắt tới thân, lượn sóng bay về phía sau gáy.
Với lối tạo tác kết hợp giữa tượng tròn và phù điêu, biểu tượng rồng cùng văn mây, đã tạo nên sự sống động, uyển chuyển, nhưng cũng đầy mạnh mẽ trên không gian dày đặc mây bay.
Bộ thành bậc đền Cổ Loa niên đại 1732 là bộ thành bậc duy nhất trên cả nước gắn với di tích nổi tiếng, thờ Đức vua An Dương Vương - vị vua lập nên nhà nước Âu Lạc, thế kỷ 3 trước Công Nguyên. Đó là bộ thành bậc thuộc thành phần kiến trúc của đền thờ Đức vua, nằm trong khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa. Kích thước, cấu trúc và hoa văn trang trí của thành bậc không lặp lại ở bất kỳ di tích nào ở Việt Nam có cùng chức năng và niên đại.
Hình thức độc đáo của cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa) thể hiện ở việc chạm khắc hoa văn rất đặc biệt, mang những nét điển hình của nghệ thuật điêu khắc thời Lê Trung Hưng đầu thế kỷ 18.
Khác với đôi rồng thành bậc phía sau của điện Kính Thiên hay thành bậc rồng ở Lam Kinh mang dáng dấp đặc trưng của thành bậc cung điện, biểu trưng cho vương quyền, thì cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa) lại có nét độc đáo riêng, tạo nên sự đặc biệt, đó là, do đền Thượng là Quốc từ, nên có sự kết hợp giữa biểu tượng vương quyền (rồng 5 móng) và rồng 4 móng.
Đầu rồng Thời Trần
Bảo vật quốc gia Đầu rồng thời Trần Hoàng thành Thăng Long có mã định danh hiện vật là Đầu rồng C7-5201. Đầu rồng này được phát hiện tại khu vực phát hiện dấu vết kiến trúc bát giác tại Hoàng thành. Tư liệu khảo cổ học cho thấy khi mới xuất lộ tượng còn đủ dáng. Phần bờm bị vỡ và mất một số mảnh nhỏ; các phần khác còn lại tương đối nguyên.
Theo hồ sơ bảo vật, Đầu rồng C7-5201 là khối tượng tròn, cao 60 cm. Đầu rồng thể hiện rồng ở tư thế chuyển động, bờm và mào chuyển động mạnh với nhiều khúc uốn lượn, hướng về phía trước. Đầu rồng có má phình rộng; miệng mở to, ngậm ngọc báu, răng thể hiện rõ ràng; mũi và môi trên biến thành mào lửa hình lôi văn chữ S. Răng nanh dài và uốn cong lên theo mào lửa. Lưỡi nhỏ dài bao ngoài ngọc báu và cũng uốn lên môi trên theo mào lửa. Mắt to tròn và nổi rõ, lông mày dài thành dải bay ngược lên trên. Tai to, rộng được tạo thế uốn lượn theo chuyển động của mào và bờm. Thân phủ kín vảy.
Đó còn là biểu trưng cho quan niệm "tả nam, hữu nữ", tượng trưng cho âm, dương; có sự phát sinh, phát triển, vốn là một quan niệm có ý nghĩa triết học, khởi nguồn từ thời dựng nước của người Việt.