Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Y tế Thế giới diễn ra ở Berlin (Đức), ngày 24/10, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo không quốc gia nào có thể chấm dứt đại dịch Covid-19 khi tự cô lập với phần còn lại của thế giới, đồng thời nhấn mạnh rằng thế giới chỉ có thể vượt qua đại dịch nếu các nước có thể hợp tác và đoàn kết để chấm dứt nghịch lý thiếu-thừa vaccine.
“Đại dịch sẽ kết thúc vào thời điểm thế giới lựa chọn kết thúc nó. Điều này nằm trong tay chúng ta. Chúng ta đã có mọi công cụ mà chúng ta cần thiết, gồm cả các công cụ y tế công cộng cho đến các công cụ y học hiệu quả. Song thế giới đã không sử dụng các công cụ này hiệu quả. Với số người tử vong lên tới hơn 50.000 ca mỗi tuần, đại dịch này còn lâu mới tới hồi kết” – Tổng giám đốc Ghebreyesus nói.
Người đứng đầu WHO hối thúc nhóm 20 nền kinh tế lớn trên thế giới (G20) – mà cho tới nay đã chủng ngừa cho 40% dân số của họ, cần tích cực tham gia vào cơ chế COVAX và Quỹ mua lại vaccine châu Phi (AVAT). Đây là 2 cơ chế nhằm thúc đẩy việc phát triển, sản xuất, tiếp cận công bằng với các phương thức xét nghiệm, chữa trị và vaccine tại tất cả các quốc gia trên thế giới.
Cũng chung quan điểm trên, trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cũng kêu gọi các nước G20 đóng góp khoảng 8 tỷ USD cho chương trình phân phối công bằng vaccine Covid-19 trên toàn cầu. Tổng thư ký LHQ chỉ ra thực tế rằng hiện có tới 3/4 số lượng vaccine thuộc về các nước có thu nhập cao và trên trung bình, đồng thời cảnh báo chủ nghĩa dân tộc trong vấn đề vaccine đang khiến cả thế giới ở trong tình trạng nguy hiểm. Ông Guterres cũng nhấn mạnh các công ty sản xuất vaccine cũng như các nước đều có trách nhiệm hoàn thành cam kết của mình trong chia sẻ vaccine, trao đổi công nghệ và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ để nhiều nước khác có thể sản xuất được vaccine chống dịch.
Cũng tại sự kiện này, Tổng thư ký Guterres nhắc lại, vào đầu tháng này, ông đã cùng Tổng giám đốc WHO phát động chiến lược vaccine Covid-19 toàn cầu, trong đó hoạch định một kế hoạch mang tính khả thi và hiệu quả về mặt chi phí nhằm cung cấp vaccine cho khoảng 40% người dân các nước từ nay đến cuối năm và cho khoảng 70% dân số toàn cầu vào giữa năm 2022.
Lời kêu gọi trên được các lãnh đạo WHO và LHQ hợp quốc đưa ra trong bối cảnh cuộc chạy đua của con người trước virus SARS-CoV-2 vẫn chưa đi đến hồi kết, cùng với sự xuất hiện của các biến thể mới có tốc độ lây lan “chóng mặt”. Tính đến chiều 25/10, thế giới có gần 244,5 triệu ca nhiễm Covid-19, với gần 5 triệu ca tử vong. Trong khi đó, số người được chủng ngừa ít nhất một mũi vaccine mới chỉ chiếm 48,5% dân số thế giới, với gần 3% dân số tại các nước có thu nhập thấp.
Phân tích của Liên minh Vaccine nhân dân cho thấy, hiện mới chỉ có 0,7% vaccine Covid-19 đến được tay các nước thu nhập thấp. Trong khi đó, gần 50% số vaccine đã được bán cho các nước giàu.
Theo số liệu do hãng Airfinity công bố, các nước giàu có thể sở hữu tới 1,2 tỷ liều vaccine không cần dùng đến, ngay cả khi tiêm mũi tăng cường cho người dân. Trong khi đó, tốc độ tiêm chủng vaccine ở nhiều nước phát triển đang có xu hướng chậm lại do vẫn còn một bộ phận người dân không muốn đi tiêm chủng. Điều đó khiến số vaccine dự trữ quá hạn ngày càng nhiều.
Trong nỗ lực “cứu” hàng triệu liều vaccine Covid-19 sắp hết hạn, các nước giàu đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm khuyến khích người dân đi tiêm chủng, thúc đẩy tiêm mũi tiêm bổ sung. Tại Mỹ, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) đã nhất trí kéo dài thời hạn sử dụng vaccine của hãng Johnson & Johnson từ 4 tháng rưỡi lên 6 tháng với nhiệt độ bảo quản từ 2-8 độ C.
Bên cạnh đó, nhiều nước cũng tiến hành hoán đổi vaccine với nhau, tức là quốc gia đang thiếu hụt sẽ mượn tạm vaccine của nước đang thừa để thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng trong nước, và sẽ trả sau. Australia đã nhận trước vaccine của Singapore và Anh, Hàn Quốc nhận của Israel... trong các thỏa thuận như vậy. Giải pháp này được đánh giá là thỏa thuận thuận đôi bên cùng có lợi khi những nước đang thiếu vaccine đáp ứng được như cầu tiêm chủng, trong khi nước đang dư thừa vaccine sẽ tránh được việc bỏ phí vaccine và phải tiêu hủy vaccine khi hết hạn sử dụng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những giải pháp trên chỉ giải quyết được "phần nổi" của tảng băng chìm, do số lượng vaccine dư thừa từ nay tới cuối năm ở các nước phát triển được dự báo rất nhiều.
Theo Nikkei Asia, các nhà sản xuất vaccine ngừa Covid-19 đang trên đà sản xuất 12,2 tỷ liều vaccine vào cuối năm nay, đủ để tiêm hai mũi cho toàn bộ dân số trên 12 tuổi của toàn thế giới. Tuy nhiên, phần lớn số vaccine này đã được cam kết cung cấp cho các nước phát triển. Chính vì vậy, nếu không có sự phân bổ hợp lý hơn, tình trạng nơi thừa vaccine đến mức phải vứt bỏ vì quá hạn sử dụng, nơi lại không có vaccine để cứu sinh mạng của hàng triệu người, sẽ tiếp tục tái diễn.
COVAX đã phân phối hơn 300 triệu liều vaccine, chủ yếu do các nước phát triển cung cấp, cho các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Ảnh: AFP |
Tiến sĩ Matt Linley, trưởng nhóm nghiên cứu tại công ty Airfinity, nhận định từ nay tới cuối năm, các nước giàu có thể bỏ phí khoảng 241 triệu liều vaccine nếu không sớm chia sẻ cho các nước nghèo. Liên minh vaccine Gavi – tổ chức đồng điều hành COVAX, các quốc gia đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao cần chia sẻ vaccine một cách có tổ chức, trên quy mô lớn và với vaccine vẫn còn hạn sử dụng, bao gồm cả việc hỗ trợ để các nước nghèo nâng cao năng lực về cơ sở hạ tầng vận chuyển và bảo quản vaccine, bảo đảm vaccine được sử dụng hiệu quả.
COVAX, sáng kiến phân phối vaccine công bằng cho các quốc gia thu nhập thấp do LHQ hậu thuẫn, đã không thể khỏa lấp tình trạng thiếu hụt vaccine nghiêm trọng ở các nước nghèo. Số vaccine được viện trợ thông qua COVAX chỉ đáp ứng phần rất nhỏ nhu cầu của các quốc gia. Trong khi đó, sức ép mà chính phủ một số nước - dẫn đầu là chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhằm thúc đẩy các tập đoàn dược phẩm chuyển giao thêm vaccine cho các nước nghèo - vẫn chưa mang lại kết quả.
Cho đến nay, COVAX đã phân phối hơn 300 triệu liều vaccine, chủ yếu do các nước phát triển cung cấp, cho các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Tuy nhiên, lượng vaccine này còn cách xa mục tiêu mà COVAX đặt ra, là cung cấp khoảng 1,4 tỷ liều vào cuối năm nay. Đặc biệt, hồi tháng 9, COVAX đã phải điều chỉnh giảm 30% so với mục tiêu ban đầu là cung cấp cho các nước nghèo 2 tỷ liều vaccine vào cuối năm 2021. Theo bà Mariangela Simao, Trợ lý Tổng giám đốc WHO về quyền tiếp cận dược phẩm và các sản phẩm y tế, tính tới đầu tháng 10, trong số hơn 90 quốc gia nghèo nhất thế giới được nhận vaccine của COVAX, có tới một nửa mới tiêm vaccine Covid-19 cho dưới 20% dân số, thậm chí có 26 quốc gia tiêm cho chưa đầy 10% dân số./.