Khách hàng tốn thêm tiền, đối tượng hưởng lợi nhiều nhất chính là các app đặt xe.
Một số ứng dụng gọi xe công nghệ hiện kèm thêm các dịch vụ có thu phí như: phí bảo hiểm cho chuyến đi; phí đóng góp trung hòa carbon. Trước đó, dư luận cũng bất bình trước thông tin các hãng công nghệ còn phụ thu phí nắng nóng, mưa lớn, kẹt xe phí, có hãng lại thu phụ phí ban đêm… (mức từ 3.000 - 5.000 đồng/cuốc) cho người sử dụng nền tảng dịch vụ của họ.
Các dịch vụ này không phải là dịch vụ bắt buộc phải sử dụng, tuy nhiên, các hãng xe công nghệ đã lách bằng cách không công khai mà “âm thầm” thu. Người tiêu dùng chỉ phải thanh toán thêm phí khi đồng ý lựa chọn dịch vụ. Tuy nhiên, theo ghi nhận, một số ứng dụng đã tự động tích chọn sẵn tính năng “đồng ý” lựa chọn dịch vụ khi người tiêu dùng đặt xe. Nếu người tiêu dùng không để ý để bỏ chọn tính năng này thì sẽ bị phát sinh thêm chi phí khi đặt xe.
Tỉ lệ chiết khấu thông thường của xe công nghệ là 7:3 (tài xế 7 phần, hãng 3 phần trên doanh thu mỗi cuốc xe). Ví dụ tài xế chạy một cuốc xe được 100.000 đồng, app xe công nghệ hưởng 30.000 đồng. Có thêm 5.000 đồng phụ thu nắng nóng cũng chia theo tỷ lệ tương tự, tức mỗi chuyến app nhận được 1.500 đồng, tài xế chỉ hưởng 3.500 đồng.
Nếu có hàng trăm, hàng nghìn cuốc mỗi ngày có phụ thu với lý do tương tự thì số tiền hãng thu về rất nhiều. Việc các ứng dụng gọi xe tính phụ phí trực tiếp vào trong giá cước là một hình thức tăng giá cước, “té nước theo mưa”, tận thu với khách hàng. Bản chất là thu lợi chứ không phải chia sẻ.
Dư luận cho rằng, cần giám sát việc tăng giá hoặc phụ thu phí của DN với những khoản tăng không minh bạch, có dấu hiệu trục lợi. Nếu các loại phụ phí mà các hãng đưa ra để hỗ trợ đối tác tài xế thì phải tách riêng để cho họ được hưởng trọn vẹn chứ không phải nhập nhằng tính vào cước của khách hàng.
Giá dịch vụ vận tải hiện nay Nhà nước không định giá, mà DN kê khai giá cước. Tuy vậy, khi thực hiện tăng giá cước hay thu thêm các loại phụ phí, đều phải kê khai với cơ quan quản lý và thực hiện đúng theo mức giá, mức phụ phí đã kê khai. Đồng thời phải thông báo rõ ràng đến người tiêu dùng, để họ thực hiện quyền lựa chọn có hoặc không tham gia. DN cần có trách nhiệm giải trình rõ về việc thu phụ phí. Với những phụ phí DN đưa ra mà khách hàng chưa đồng tình hoặc chưa rõ ràng thì cơ quan quản lý cũng cần vào cuộc yêu cầu DN làm rõ, nhằm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng sử dụng dịch vụ.
Ở góc độ quản lý, có thể xử phạt nghiêm về các hành vi vi phạm về công khai, niêm yết thông tin về giá được xử lý theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, phí lệ phí và hóa đơn. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng, nếu các hãng xe công nghệ cộng phụ phí trong tổng thể giá mà không kê khai các khoản phụ phí này vào cơ cấu giá hoặc giấu diếm doanh thu để tính thuế sẽ là hành vi trốn thuế.