Đặc biệt, năm 2024 với chủ đề "Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng” đã thúc đẩy sự chung tay giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử trong gia đình, tạo sự gắn kết bền vững từ những tế bào nhỏ của xã hội, để cùng vun đắp cho sự phát triển chung của đất nước.
Thực tế cho thấy, hiện không ít gia đình dù hiện đại vẫn giữ được một lối sống bền chặt, gắn kết, nhưng nhìn tổng thể, bức tranh gia đình vẫn có sự “thất thoát” không nhỏ lối sống truyền thống, các giá trị tốt đẹp trong văn hóa ứng xử gia đình, khiến sự bền vững của hạnh phúc bấp bênh hơn.
Bởi guồng quay của xã hội hiện đại dường như phần nào khiến các thành viên trong gia đình quá chú tâm vào tạo dựng giá trị vật chất, xem nhẹ giá trị tinh thần, truyền thống dẫn đến tình trạng bố mẹ mải mê kiếm tiền, thiếu quan tâm đến con cái. Sự lệch lạc trong cách ứng xử cũng tạo thành bạo lực…
Sợi dây gắn kết trong gia đình ngày càng lỏng lẻo, lối sống cá nhân được đề cao quá mức, một số giá trị đạo đức như hiếu nghĩa, thủy chung... có lúc bị coi nhẹ. Tình trạng này làm cho nhiều tổ ấm có nguy cơ tan vỡ, kể cả những gia đình tưởng như lý tưởng, có học thức, kinh tế ổn định, có sự hậu thuẫn từ nhiều phía.
Nhiều khảo sát trong những gia đình sống ở đô thị đã cho thấy, tác động rõ ràng nhất của sự “lỏng lẻo” chính là giờ phút bên nhau của các thành viên gia đình bị xén bớt, ít ỏi đến lạ lùng.
Ngôi nhà nhiều khi đơn thuần chỉ là nơi tạm trú hoặc sự gắn kết chỉ dừng ở mức dùng chung một đường truyền internet, một chiếc ti vi... Khi mỗi người mải miết với những mối quan tâm riêng, sự giao tiếp có khi cũng được thực hiện qua các tin nhắn, cuộc gọi thay vì trực tiếp. Mối quan hệ thương yêu, gần gũi, sẻ chia giữa từng thành viên nhiều khi lại trở thành một điều rất xa xỉ.
Cùng với đó là thực trạng “sống nhanh” khiến các thành viên có xu hướng cá nhân hóa, gia tăng khoảng cách thế hệ. Sự quan tâm, chia sẻ - giá trị căn bản nhất của gia đình Việt Nam bị nhạt dần.
Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, từ những tác động của công nghệ khiến máy tính, điện thoại, internet là không thể thiếu đối với mỗi cá nhân, đến sự hấp thụ của những lối sống mới, khiến cuộc sống gia đình có nhiều thay đổi so với trước kia.
Điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến việc thay đổi trong cách sống, cách ứng xử, nhìn nhận về sự gắn kết trong gia đình, tạo ra những khoảng lặng trong gia đình hiện đại.
Trong các hoạt động hướng về Ngày Gia đình Việt Nam năm nay cũng như trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được đẩy mạnh thực hiện, một vấn đề liên tục được nhắc đến như mục tiêu là các gia đình dành thời gian chăm sóc, quan tâm đến nhau.
Nhiều hoạt động hướng về gia đình, tôn vinh gia đình tiêu biểu hay các hoạt động để tạo cơ hội gắn kết thế hệ đã được tổ chức dưới nhiều hình thức. Đồng thời, với đó, nhiều gia đình cũng đang tạo thêm sự bền chặt bằng tổ chức những chuyến dã ngoại, du lịch để tạo không khí thoải mái, vui vẻ cho các thành viên, hay duy trì nhiều hơn các bữa cơm gia đình để cùng nhau xây dựng mối liên quan mật thiết với nhau trong một vòng tròn bố - mẹ - con cái.
Khi chính các thành viên trong gia đình dành thời gian nhiều hơn cho sự quan tâm lẫn nhau và khi mối quan hệ ứng xử giữa các thành viên trong gia đình chặt chẽ, tốt đẹp, cũng đồng nghĩa sẽ giảm thiểu được những lối sống lệch chuẩn. Từ đó, mỗi người, mỗi nhà sẽ trân trọng, cùng thúc đẩy xây dựng nên những tế bào của xã hội hạnh phúc và bền vững.