Áp lực lạm phát tiếp tục tăng cao
"Bóng ma" lạm phát đang bao trùm các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, lạm phát có độ trễ so với thế giới và các nước khu vực châu Á, song ngày càng trở nên rõ nét hơn. CPI bình quân 6 tháng năm 2022 tăng 2,44% (cao hơn mức 2,25% của 5 tháng năm 2022 và mức 1,62% của 6 tháng năm 2021.
Lạm phát cơ bản tăng 1,25% và lạm phát tăng chủ yếu là do yếu tố giá cả (chi phí đẩy) hơn là yếu tố tiền tệ (cung tiền và vòng quay tiền). Trong đó, 3 nhóm tăng chính là giao thông tăng 17,43% (đóng góp 69,1%), nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2% (đóng góp 15,6%), hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,5% (đóng góp 12,3%).
Theo TS Cấn Văn Lực, nguyên nhân mức lạm phát của Việt Nam còn thấp trong 6 tháng đầu năm là do cung tiền vừa phải (tăng 3,51%), và vòng quay tiền tăng chậm (0,4 lần). Cùng với đó, giá xăng Việt Nam được hỗ trợ bình ổn; cơ cấu rổ hàng hóa tính CPI khác so với thế giới. Đặc biệt Việt Nam có thể chủ động, đảm bảo nguồn cung mặt hàng thiết yếu và sự điều tiết các mặt hàng do Nhà nước quản lý.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt các công cụ chính sách, phối hợp chính sách khá nhịp nhàng cũng góp phần "hạ nhiệt" lạm phát. “Tuy nhiên, từ nay tới cuối năm, áp lực lạm phát tiếp tục tăng cao do giá hàng hóa thế giới còn tăng và nguy cơ nhập khẩu lạm phát. Đồng thời, độ trễ của chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng sẽ rõ nét hơn và tỷ giá chịu áp lực tăng (2,5 - 3% năm 2022) cũng sẽ gây áp lực lên lạm phát” – TS Cấn Văn Lực nhận định.
Cung chung quan điểm này, TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhìn nhận, lạm phát thế giới vào Việt Nam theo con đường nhập khẩu và đi dần vào giá tiêu dùng. Tức là lạm phát tại Việt Nam là lạm phát chi phí đẩy, chứ không bao gồm cả lạm phát cầu kéo như ở Mỹ và các nước châu Âu.
Đưa ra nhận định về áp lực lạm phát 6 tháng cuối năm, TS Nguyễn Bích Lâm cho rằng, dư địa để kiểm soát không còn nhiều. Trong đó, lạm phát chuỗi cung ứng là nhóm yếu tố tạo áp lực lớn nhất, do kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài.
Cần cơ chế, chính sách cởi mở hơn
Trong bối cảnh lạm phát trên toàn cầu tăng cao và thời gian qua nhiều ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất. Câu hỏi đặt ra là tại sao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa tăng lãi suất?
Theo các chuyên gia kinh tế, tại Việt Nam, để chống lạm phát chi phí đẩy, thì tăng lãi suất không phải là biện pháp. Trong tình hình hiện nay, Ngân hàng Nhà nước khó có thể làm gì hơn, bởi việc nới lỏng và thắt chặt đều ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, vì vậy chính sách tiền tệ khó có thể tác động vào lúc này.
Trong 6 tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và những chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát. Trong đó chú trọng theo dõi lạm phát và lãi suất thị trường để linh hoạt và kịp thời điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để ổn định, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng
Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Võ Trí Thành cho rằng, trong 3 năm qua dù chịu tác động lớn của dịch Covid-19 nhưng nền kinh tế Việt Nam không hoàn toàn cùng nhịp với kinh tế thế giới nên có tính chuyên biệt.
Cụ thể, năm 2020 Việt Nam là ngôi sao về tăng trưởng với GDP đạt 2,91% trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng âm. Tuy nhiên, sang năm 2021, khi kinh tế thế giới hồi phục và tăng trưởng mạnh 6,1% thì Việt Nam lại tăng trưởng thấp. 6 tháng đầu năm nay, kinh tế Việt Nam lại phục hồi tốt khi kinh tế thế giới suy giảm. “Chính những điểm khác biệt này khiến Việt Nam không thể điều hành lãi suất như thế giới được” - ông Võ Trí Thành nêu quan điểm.
Còn theo TS Cấn Văn Lực, dự báo lạm phát cả năm có thể vẫn dưới mức 4% mà Quốc hội đã đề ra. Chưa kể lạm phát hiện nay chủ yếu do chi phí đẩy, chứ không phải do yếu tố tiền tệ. Vì thế, việc tăng lãi suất chưa chắc đã giúp hạ nhiệt được lạm phát, trong khi lại làm tăng chi phí cho DN, từ đó cản trở đà phục hồi sản xuất kinh doanh.
Để kiểm soát lạm phát, theo TS Cấn Văn Lực, trước hết Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho DN, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thúc đẩy tổng cung. Bên cạnh đó là giảm thuế, trong đó có thuế xăng dầu. Bởi lẽ, mặt hàng xăng dầu tại Việt Nam đang đánh thuế gần 40%, khi giá xăng leo cao sẽ khiến tất cả hàng hóa tăng theo.
Trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng, các nước thực hiện lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga làm trầm trọng thêm thiếu hụt nguồn cung. Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt cộng đồng DN cần đa dạng nguồn cung, bảo đảm nguyên vật liệu đầu vào của mỗi ngành không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực. Đồng thời, ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cũng phối hợp chặt chẽ, thực hiện hài hòa chính sách tài khóa và tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát.