Thiếu liên kết, yếu khâu chế biến
Vừa qua, nông dân trên địa bàn Hà Nội lại lao đao, luống cuống vì nông sản rớt giá, khó bán. Nhiều người phải tự tay bỏ đi những sản phẩm nông sản do chính tay mình làm ra. Nguyên nhân là do dịch Covid-19 bùng phát đã làm đứt đoạn khâu tiêu thụ. Tuy nhiên, một phần nguyên nhân trong đó còn là do sản xuất của người dân không dựa theo nhu cầu của thị trường.
Tại Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi Yên Hòa Phú (Đông Yên, Quốc Oai) hiện đang chăn nuôi 30.000 con gà đẻ và 60.000 con gà thịt. Mặc dù chăn nuôi với quy mô lớn, tuy nhiên sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ qua các thương lái, giá cả phụ thuộc vào thị trường. “Do bị động bởi khâu tiêu thụ, nên vừa qua khi dịch Covid-19 bùng phát, các thành viên trong HTX lao đao vì bị thương lái ép giá” – Giám đốc HTX Yên Hòa Phú Lê Đình Bình chia sẻ.
Cũng để xảy ra tình trạng giải cứu nông sản, vừa qua HTX nông nghiệp Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh dư thừa hơn 300 tấn củ cải và các loại nông sản khác. Đây không phải là năm đầu tiên người dân xã Tráng Việt cần giải cứu nông sản. Theo Trưởng Phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô, ngoài nguyên nhân khách quan do dịch Covid-19, việc dư thừa nông sản còn do bà con nông dân sản xuất chưa theo khuyến cáo của huyện. Thay vì sản xuất 4 lứa rau/năm thì nông dân lại tăng lên 5-6 vụ/năm. Trong khi đó, sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ dưới dạng tươi. Điều này đang đặt ra cho Ban Quản trị HTX cần thay đổi phương thức canh tác, chú trọng khâu bảo quản chế biến để hỗ trợ và nâng cao giá trị nông sản cho người dân.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội Nguyễn Trung Thành cho biết: “Qua đợt giải cứu nông sản này, tôi nhận thấy khâu bảo quản và chế biến nông sản vẫn là khâu yếu của người nông dân. Thiết nghĩ các cấp chính quyền cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cho các HTX, DN trong khâu bảo quản, chế biến nông sản để đảm bảo chất lượng và tìm kiếm thị trường tiêu thụ”.
Cần đầu tư bài bảnNói về thực trạng ngành công nghiệp chế biến nông sản của Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thừa nhận: Ngành chế biến nông sản trên địa bàn TP còn nhỏ lẻ, manh mún chưa xứng với tiềm năng. Phần lớn các DN có quy trình công nghệ sản xuất thủ công và bán tự động, chỉ có khoảng 10% DN có quy trình công nghệ sản xuất khép kín tự động và khoảng 20% DN đã xây dựng và áp dụng tốt chương trình quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tiên tiến… Bên cạnh đó, các DN chế biến nông sản chưa chủ động được nguồn cung cấp nguyên liệu đảm bảo về số lượng và chất lượng. Khả năng chế biến đối với một số ngành hàng cũng còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là vào cao điểm của mùa vụ.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, việc nâng cao năng lực công nghiệp chế biến là nội dung căn bản góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho nông sản. Theo đó, trong thời gian tới TP cần đầu tư mới và mở rộng cơ sở chế biến đối với những ngành hàng chưa có hoặc còn thiếu công suất chế biến. Đồng thời, cần đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang thiết bị chế biến nông sản để sản xuất ra sản phẩm phong phú về chủng loại, giá trị gia tăng cao và hạ giá thành; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho chế biến nông sản. Cùng với đó, có cơ chế chính sách hấp dẫn thu hút đầu tư vào chế biến nông sản, nhất là đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ. “Sở NN&PTNT Hà Nội đã tham mưu UBND TP ban hành kế hoạch cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản gắn với phát triển thị trường. Đến nay TP đã hình thành 144 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ” – ông Tạ Văn Tường chia sẻ.
TP phấn đấu đến năm 2030, hàng nông sản qua chế biến đạt 7 - 8%/năm; hình thành, hỗ trợ phát triển khoảng 15 khu chế biến nông sản gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; 100% sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến đều sử dụng mã QRcode trên hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm TP Hà Nội tích hợp vào hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa quốc gia; phát triển 1 khu phức hợp chế biến, bảo quản, kiểm định một cửa hỗ trợ hàng xuất khẩu.