Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bất ngờ với những phát minh từ Phần Lan

Minh Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một vị tổng thống trong lúc tranh cử đã nói ai sinh ra ở đất nước Phần Lan thì cũng may mắn như trúng số.

Phần Lan thường được biết đến qua hình ảnh ông già Noel với những chú tuần lộc vào mỗi dịp Giáng sinh, chú chim ngộ nghĩnh trong trò chơi Angry Bird, thương hiệu điện thoại Nokia, hay hệ điều hành Linux.

Người dân Hà Nội cũng đều biết đến hệ thống cấp nước sạch của Phần Lan giúp cư dân đô thị lần đầu được tiếp cận những đường nước sạch, đúng tiêu chuẩn– một biểu tượng của thời kì đầu của quá trình Đổi mới.

Tuy nhiên, Phần Lan còn thú vị hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ. Đó  là những câu chuyện chưa từng được nghe  kể về cách người Phần Lan phát minh tin nhắn SMS trên điện thoại; và rồi bằng cách nào Xylitol, một thứ không thể thiếu trên những phong kẹo cao su ngày nay được ra đời từ những cánh rừng bạch dương.

Tất nhiên, nói đến Phần Lan, sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua việc tìm hiểu vì sao xông hơi (sauna) đã trở thành một thứ tôn giáo, một điều không thể thiếu như cơm ăn, áo mặc, phương tiện đi lại trong đời sống thường nhật của người Phần Lan.

Đất nước Bắc Âu này thường xuyên dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chất lượng giáo dục, bình đẳng giới, kết hợp giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, cũng như mức độ minh bạch cao về tiếp cận thông tin và tỷ lệ tham nhũng thấp. Trong năm 2018, Chỉ số Hạnh phúc của Liên hợp quốc cũng xếp Phần Lan đứng đầu trong số 156 quốc gia và vùng lãnh thổ toàn cầu.

Cuốn sách “Những sáng kiến Phần Lan”, do Ilkka Taipale và người bạn đời Vappu Taipale đồng chủ biên, đã giúp độc giả tiếp cận một bức tranh hoàn chỉnh và tổng thế hơn về yếu tố nào giúp Phần Lan phát triển như ngày hôm nay.

Hai tác giả đã có mặt tại Hà Nội trong tuần vừa qua theo lời mời của Đại sứ quán Phần Lan để chia sẻ về cuốn sách cũng như những điều Việt Nam có thể cân nhắc rút ra từ kinh nghiệm của Phần Lan.

 Ông Ilkka Taipale và người bạn đời Vappu Taipale, tác giả cuốn “Những sáng kiến Phần Lan”. Ảnh: ĐSQ Phần Lan

Các nhà phê bình quốc tế đã đánh giá “Những sáng kiến Phần Lan” là một tác phẩm vừa mang tính nghiêm túc giúp cho những nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp tìm kiếm các ý tưởng mới về đổi mới sáng tạo trong xã hội, các chính trị gia và các nhà hoạch định chính sách tiếp cận giải quyết vấn đề theo hướng mới. Cuốn sách cũng mang tính giải trí cao cho những người muốn tìm hiểu lối sống và những nét đặc trưng của con người Phần Lan.

Cuốn sách được xuất bản lần đầu vào năm 2006 và được chỉnh sửa và tái bản vào năm 2013. Bản dịch tiếng Việt được nhà xuất bản Trẻ phát hành tại Việt Nam. Hiện tại, cuốn sách đã được dịch ra khoảng 50 ngôn ngữ trên toàn cầu bao gồm tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Ukraina, tiếng Thụy Điển, tiếng Urdu, tiếng Ả Rập...

Theo hai tác giả Ilkka và Vappu Taipale, có năm sáng kiến xã hội quan trọng đã góp phần vào sự thành công bền vững của Phần Lan. Đầu tiên là giáo dục miễn phí và chất lượng cao từ mẫu giáo đến sau đại học. Thứ hai là sự đổi mới về bình đẳng giới. Vào năm 1906, Phần Lan là quốc gia đầu tiên trên thế giới trao cho phụ nữ cả quyền bầu cử và tham chính. Sự đổi mới quan trọng thứ ba là sự phát triển mạnh mẽ, tích cực của các tổ chức xã hội dân sự.

Sự đổi mới xã hội thứ tư là việc trao quyền, phân cấp hiệu quả trong quản trị đô thị. Ở Phần Lan, các đô thị có quyền chủ động với các khoản thuế và các chức năng, quyền hạn của họ bao gồm giáo dục, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ phúc lợi xã hội rộng lớn. Sự đổi mới cuối cùng nhưng cũng có vai trò lớn đó là những quyết định chính trị đều dựa trên sự đồng thuận, thoả hiệp giữa các đảng phái chính trị lớn.

Khi chia sẻ với phóng viên, ông Ilkka Taipale cho biết : ”Ban đầu, người Phần Lan cho rằng Nokia là nguồn gốc của sự đổi mới, và chính những đổi mới công nghệ đang dẫn dắt Phần Lan. Chúng tôi phản biện và không cho rằng như vậy. Bằng những câu chuyện cụ thể, chúng tôi giải thích rằng việc sở hữu những đổi mới sáng tạo về mặt xã hội đã đóng vai trò cốt tử làm những tiến bộ công nghệ có thể đi vào cuộc sống”.

Trong lời tựa viết riêng cho cuốn sách, ông Phạm Ngạc, nguyên đại sứ tại 5 nước Bắc Âu từ 1992 đến 1994, người rất am hiểu Phần Lan đã viết: “Đó là một dân tộc gan góc, khắc phục thiên nhiên xây dựng đất nước và phát triển quan hệ quốc tế lành mạnh. Một vị tổng thống trong lúc tranh cử đã nói ai sinh ra ở đất nước Phần Lan thì cũng may mắn như trúng số”.