KTĐT - Theo kết quả kiểm phiếu chính thức do các đài truyền hình quốc gia Đức ARD và ZDF công bố đêm 20/2, tại cuộc bầu cử Nghị viện bang Hamburg, SPD giành được 48,3% số phiếu bầu, tăng 14,2% so với cuộc bầu cử gần nhất năm 2008
Ngày Chủ Nhật 20/2 đã mở màn cho năm "siêu bầu cử" ở Đức, năm có tới 7/16 cuộc bầu cử nghị viện cấp bang, với thắng lợi tuyệt đối của đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng đối lập chính của Liên minh Đen-Vàng (CDU/FDP) cầm quyền cấp liên bang, báo hiệu một thời kỳ đầy khó khăn của Thủ tướng Angela Merkel.
Theo kết quả kiểm phiếu chính thức do các đài truyền hình quốc gia Đức ARD và ZDF công bố đêm 20/2, tại cuộc bầu cử Nghị viện bang Hamburg, SPD giành được 48,3% số phiếu bầu, tăng 14,2% so với cuộc bầu cử gần nhất năm 2008; trong khi đảng cầm quyền Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) mất gần phân nửa số điểm, chỉ giành được 21,9% số phiếu so với 42,6% của kỳ bầu cử trước. Một số đảng nhỏ hơn như đảng Cánh tả giành được 6,4%, đảng Xanh: 11,2%, đảng Dân chủ Tự do (FDP) 6,6%.
Kết quả này không chỉ giúp SPD có thể độc quyền lãnh đạo tại thành phố cảng biển quan trọng này, mà còn tạo "cú hích" tích cực đối với đảng này trong 6 cuộc chạy đua maratông bầu cử còn lại trong năm nay. Ở chiều ngược lại, đây là một "đòn đau", tác động mạnh mẽ đến CDU trong các cuộc bầu cử còn lại trong năm 2011.
Thắng lợi tại Hamburg đồng nghĩa với việc các đảng đối lập có thêm 3 đại diện tại Thượng viện - thể chế bao gồm 69 đại diện đến từ Chính quyền 16 bang trên toàn nước Đức. Điều này càng khiến cho Liên minh Đen-Vàng của Thủ tướng Merkel, vốn đã mất thế đa số từ năm 2010 sau cuộc bầu cử Nghị viện bang Nordrhein-Westfalen càng thêm thất thế.
Diễn biến này sẽ khiến bầu không khí chính trị ở Đức thay đổi mạnh mẽ, như nhận định mới đây của nhà khoa học chính trị người Đức Peter Lösche với mạng tin "Làn sóng Đức." Theo ông Lösche, việc lãnh đạo của Thủ tướng Merkel sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều - một tình thế hiếm khi xảy ra ở Đức - và bà Merkel sẽ phải thỏa thuận nhiều hơn với phe đối lập khi muốn thông qua những quyết sách lớn, nếu không muốn bị phe đối lập phong tỏa các dự luật.
Thực ra, thắng lợi của SPD tại Hamburg không khiến nhiều nhà quan sát bất ngờ, mà điều bất ngờ chính là việc CDU mất tới phân nửa số phiếu so với năm 2008. Theo kết quả thăm dò dư luận được công bố một tuần trước cuộc bầu cử, SPD giành được sự ủng hộ của tới 46% số người được hỏi.
Theo các nhà phân tích, thất bại của CDU đã được dự báo từ trước. Đó chính là hệ quả của việc Thủ hiến Ole von Beust, một đồng minh thân cận của Thủ tướng Merkel, đã lãnh đạo Hamburg từ năm 2001, bất ngờ tuyên bố từ chức hồi tháng 7/2010.
Động thái này của ông Boixtơ khiến cho đảng Xanh, đồng minh của CDU trong Liên minh Xanh-Đen lãnh đạo Hamburg, mô hình liên minh giữa CDU và đảng Xanh đầu tiên ở cấp bang tại Đức, đã vô cùng tức giận, dẫn đến sự tan rã của liên minh cầm quyền và cũng là nguyên nhân dẫn đến cuộc bầu cử sớm này tại Hamburg. Nguyên nhân nữa, cũng theo các nhà phân tích, là do CDU và Thủ tướng Merkel đã không có sự hỗ trợ cần thiết cho ứng viên của CDU tại Hamburg, ông Christoph Ahlhaus.
Mặc dù thất bại tại Hamburg có thể coi là thất bại "lịch sử" đối với CDU, song đây chưa phải là điều tồi tệ đối với Liên minh Đen - Vàng cấp liên bang. Điều tồi tệ nhất, theo các nhà phân tích chính trị tại địa bàn, vẫn đang "treo lơ lửng" đối với Liên minh Đen-Vàng và câu trả lời sẽ có sau ngày 27/3 tới.
Nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, CDU và FDP thất bại tại cuộc bầu cử Nghị viện bang Baden-Wuerttemberg, bang "thành trì" của CDU, có tầm quan trọng "sống còn" đối với liên minh cầm quyền và hiện đang do Liên minh CDU-FDP lãnh đạo, sẽ lập tức tác động mạnh, thậm chí ảnh hưởng đến sự tồn vong của Liên minh cầm quyền CDU-FDP.
Còn nhớ, trong một kịch bản tương tự, việc SPD thất thế tại bang "thành trì" Nótranh-Vexphalen hồi năm 2005 đã khiến Thủ tướng khi đó Gerhard Schroeder phải yêu cầu Tổng thống Đức giải tán chính phủ liên minh Đỏ-Xanh (SPD-đảng Xanh) do ông lãnh đạo để tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang sớm, đưa đến sự thành lập Đại Liên minh (CDU-SPD) với Thủ tướng Merkel đứng đầu.
Tuy nhiên, trong cái rủi cũng có cái may. Trong khi CDU thất bại nặng nề tại Hamburg, thì FDP - đảng nhỏ hơn trong liên minh cầm quyền cấp liên bang, thời gian qua luôn chịu sự "ghẻ lạnh" của cử tri Đức trong các cuộc thăm dò dư luận, lại giành được 6,6% số phiếu, chiếm 9/121 ghế trong Nghị viện bang Hamburg, sau khi không có đại diện nào tại nghị viện bang này do không giành đủ 5% tổng số phiếu bầu hồi năm 2008.
Kết quả này sẽ củng cố thêm tinh thần cho FDP trên chặng đường còn lại trong năm 2011 và khiến chiếc ghế của Chủ tịch FDP Guido Westerwelle, cũng là đương kim Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Đức, bớt lung lay./.