Bầu cử Tổng thống Mỹ: ​Khởi đầu cuộc huynh đệ tương tàn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cuộc bầu trong nội bộ 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa để tìm ra ứng cử viên của đảng cho cuộc bầu cử Tổng thống vào đầu tháng 11 tới ở Mỹ bắt đầu từ ngày 1/2 tại bang Iowa.

Bà Hillary Clinton, nguyên đệ nhất phu nhân của nước Mỹ, cựu Ngoại trưởng và thượng nghị sĩ Mỹ, dẫn đầu ở phe Đảng Dân chủ
Bà Hillary Clinton, nguyên đệ nhất phu nhân của nước Mỹ, cựu Ngoại trưởng và thượng nghị sĩ Mỹ, dẫn đầu ở phe Đảng Dân chủ
Có thể nói từ Iowa mới chính thức bắt đầu cuộc sát phạt không khoan nhượng giữa những ứng cử viên, một kiểu huynh đệ tương tàn về chính trị chỉ thấy có ở nước Mỹ. Các ứng cử viên tranh giành đại cử tri để rồi có thể được đảng của họ chính thức đề cử tại đại hội đảng tổ chức vào thời điểm nào đó trong tháng 8 tới. Cuộc huynh đệ tương tàn này cũng còn đồng thời là cuộc ganh đua về khả năng tài chính của các ứng cử viên, về những thủ thuật truyền thông và cả dàn xếp nội bộ. Từ sau sự khởi đầu ở bang Iowa, nội bộ nước Mỹ thật sự dần đắm chìm trong vận động tranh cử Tổng thống và Quốc hội. Cũng có thể nói là nước Mỹ cứ dần bị tê liệt thêm bởi bầu cử.

Cứ theo kết quả của các cuộc thăm dò dư luận thì cuộc bầu cử Tổng thống năm nay ở nước Mỹ khác biệt hẳn so với những lần trước. Với tỷ phú Donald Trump và Thượng nghị sĩ Ted Cruz dẫn đầu ở phía đảng Cộng hòa, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và bà Hillary Clinton, nguyên đệ nhất phu nhân của nước Mỹ, cựu Ngoại trưởng và thượng nghị sĩ Mỹ, dẫn đầu ở phe Đảng Dân chủ - chưa khi nào những ứng cử viên thuộc diện "ngoài rìa" chính trường như Trump hay Sanders lại có cơ hội đánh bại những ngôi sao đang lên của cả đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ như thế. Điều lạ lùng ở kết quả các cuộc thăm dò dư luận đến nay ở Mỹ là ứng cử viên nào càng phi chính trị trong ứng xử và càng thiếu lôgic trong lập luận cho cương lĩnh tranh cử - như Donald Trump và Bernie Sanders thì lại càng được cử tri ủng hộ.

Iowa là trận đấu đầu tiên và sẽ có tác động định hướng dư luận rất mạnh mẽ ở nước Mỹ. Nó xác lập chiều hướng diễn biến cuộc vận động tranh cử trong cả nội bộ 2 đảng lẫn giữa 2 đảng phái chính trị lớn nhất này ở nước Mỹ. Nhìn vào sự ủng hộ hiện tại của dân Mỹ dành cho ông Trump và ông Sanders có thể nhận diện được sự thay đổi ngày càng rõ trong kỳ vọng và mong đợi của dân Mỹ về Tổng thống và Quốc hội mới. Họ muốn lần này khác những lần trước. Con người khác với quan điểm và tính cách khác, dám nói thẳng ra ngay những gì đang suy nghĩ chứ không vòng vèo. Họ muốn nền chính trị nước Mỹ thay đổi và vì vậy mong muốn có được Tổng thống mới với khả năng thay đổi tình trạng cổ hủ, trì trệ, cố hữu và bám giữ vào quyền lực chính trị trong Quốc hội và Chính phủ. Cuộc huynh đệ tương tàn trong nội bộ 2 đảng lớn nhất ở Mỹ vì thế sẽ khốc liệt hơn mọi lần trước đó và cuộc bầu cử Tổng thống năm nay ở nước Mỹ cũng chính vì thế mà trở nên rất đặc biệt, rất thú vị và rất khó dự đoán thắng bại.