Với những quy định pháp lý vượt trội, đặc thù, quy định rõ vị trí, vai trò của Thủ đô cũng như chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
Luật đã tạo định hướng, mở ra không gian phát triển và được kỳ vọng trở thành động lực, điểm tựa thể chế cho Hà Nội "cất cánh" trong giai đoạn mới.
Luật Thủ đô (sửa đổi) với rất nhiều cơ chế, chính sách vượt trội, đặc thù so với hệ thống pháp luật hiện hành đã bao quát toàn bộ các lĩnh vực từ hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng đến các nội dung cụ thể của Thủ đô.
Đặc biệt, Luật đã quy định về cơ chế phân cấp, phân quyền rõ ràng, trao trách nhiệm và trao nhiều quyền hơn để TP Hà Nội có thẩm quyền quyết định những vấn đề liên quan với điều kiện đặc thù.
Những điều khoản đã được quy định cụ thể, chi tiết hơn theo phương hướng ưu tiên áp dụng trong hệ thống pháp luật. Bởi thế, quan trọng và ý nghĩa hơn, không chỉ dừng ở đó, quy định của Luật còn tạo điều kiện thuận lợi nhất để TP thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, thể hiện vai trò Thủ đô là trái tim của cả nước.
Nói cách khác, các cơ chế, chính sách riêng, đặc thù, nổi trội về phân cấp, phân quyền phù hợp với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô đi kèm với trách nhiệm lớn của Hà Nội trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
Đồng thời, Luật cũng tạo cơ chế để mở rộng không gian phát triển, thu hút nguồn lực, tạo động lực để Hà Nội bứt phá, trở thành một Thủ đô tầm cỡ khu vực và thế giới.
Có thể nói, Luật được thông qua có giá trị pháp lý đặc biệt quan trọng, thực sự đã mở ra không gian pháp lý mới, thể hiện tầm nhìn mới, tư duy mới cho Thủ đô phát triển một cách mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa.
Đồng thời với đó, Hà Nội cũng sẽ đưa vào triển khai đồng bộ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Những quy định trong Luật cùng với hai quy hoạch này thực sự là “cơ hội vàng” định vị không gian, mục tiêu, quan điểm phát triển, kiến tạo Thủ đô trong tương lai.
Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025; có 7 quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, những công việc quan trọng ở phía trước còn rất nhiều, để sớm đưa những quy định vào thực tiễn, vẫn đòi hỏi sự vào cuộc, chung tay của các cấp, ngành từ T.Ư đến địa phương.
Với TP Hà Nội, công tác chuẩn bị để đưa Luật vào cuộc sống không phải chỉ khi Luật được ấn nút thông qua mới tiến hành, mà đã được lãnh đạo TP quan tâm, chỉ đạo các đơn vị bắt tay ngay đồng bộ với xây dựng Dự thảo Luật.
Hy vọng, với sự kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, việc nhanh chóng xác định các nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức xây dựng văn bản quy định chi tiết, văn bản được giao theo thẩm quyền trước thời hạn Luật có hiệu lực, sẽ giúp các cơ chế, chính sách đặc thù thực sự đi được vào cuộc sống. Để từ đó, Hà Nội tận dụng được những lợi thế mà Luật đã tạo ra cho Thủ đô, thực sự bứt phá mạnh mẽ, toàn diện hơn trong một chặng đường mới.